Hôm thứ Bảy có anh bạn rủ tôi xách con mồi Đồng Kim đi bắt con cu gân. Con chim này ở gần vùng hồ Tuyền Lâm. Anh bạn tôi âm thầm theo nó hơn tháng nay không ăn thua gì – mà mê mẩn nó quá. Sở dĩ rủ tôi đi là vì “Thấy mấy ông Đức Trọng biết nó rồi, mấy bữa nay nhào vô voọc nó ghê lắm mà mấy chả chưa biết cội nên chưa mần ăn gì được …”. Hic, thường thì một lời rủ đi săn cu trận, bao giờ cũng kèm theo một vài cảnh báo hấp dẫn …
Khổ nỗi, mồi Đồng Kim tôi đã bán cho người khác chơi, mới bắt lại con mồi ở Xuân Sơn (xuất sứ ở thôn Xuân Sơn, xã Đa thọ, Đà Lạt nên gọi là mồi Xuân Sơn). Mặc dù đã nghe về thành tích của con mồi này, qua lời chủ, qua lời bạn bè của chủ quanh xóm nó ở (cu mồi quanh xóm này đa số là do con mồi Xuân Sơn thu phục được). Nhưng nó chân ướt chân ráo mới về nhà, chưa biết ra làm sao nên tôi không thấy chút tự tin nào. Tôi rủ thêm một anh bạn nữa, 3 người, 6 con mồi đi săn 1 con cu …
Vào đến bãi đánh, anh bạn chỉ cho chúng tôi vùng hoạt động của chim, chỉ đám cây mà nó rúc về sau 18h hàng ngày … Thật khó tin. Theo lời ông bạn thì con chim này không có bất cứ thói quen đi ăn nào cả, nó đi – về theo hướng loạn xạ, kể cả là từ trên rừng già về cội. Chỗ ở là đám rừng thông già, trống hơ trống hoác – gió lồng lộng. Phía trên giáp với rừng tạp già, sâu hun hút phía dưới (khoảng 300m) mới là rẫy, mà là rẫy cà phê non. Tôi với anh bạn cùng đi quá nghi ngờ về kết luận của anh bạn chỉ điểm – rất có thể hắn mượn mồi của mình để rào con bổi dùm hắn … Nhưng hắn là người theo dõi con chim hồi giờ chứ có phải mình đâu. Tạm thời tin hắn – cứ tìm chỗ máng mồi lên coi như chuyến này đi thăm dò.
Anh bạn chỉ điểm chỉ chỗ xong lụi đi mất tiêu. Tôi vào nơi được cho là chỗ ngủ của con cu rừng tìm kèo gác. Tôi chọn cây tạp già, đi tới máng lụp. Chu choa, tới nơi mới thấy, cỏ quanh cây tạp bị dẫm be bét. Thì ra ông bạn cũng đã voọc choe choét ở chỗ này rồi. Tôi máng con Xuân Sơn lên cây này. Nhìn quanh thấy cách đó chừng 30m có một cây tạp nhỏ hơn, tôi đến máng nốt con mồi Thổ lên đó (sai lầm cơ bản). Còn một anh bạn nữa vào thấy bãi gác ngán ngẩm quá nên treo đại 1 con cu mồi ra cho gáy chơi, 1 con thả cho ăn đất …
Treo lụp xong xuôi vào tầm 14h30, 3 AE tụ lại ngồi chém gió.
- Hêy winh, chỗ này bị voọc tè le rồi …
- Có mình anh thôi àh, chưa ai biết chỗ này đâu.
- Vậy sao anh không bám tiếp đi?
- Ngán rồi, mà 5h nó mới về, đấu căng được xí, nhây tới tối là im luôn …
- Con này chắc già đầu roài …
- …
Từ lúc máng lụp lên đến tầm 4h chiều, 3 AE ngồi chém gió, mồi thì hát cho nhau nghe. Thêm tiếng gió thông vi vu. Chẳng nghe tiếng con cu rừng nào. Chúng tôi bắt đầu thể hiện nghi ngờ với ông bạn chỉ điểm. Anh bạn kia thì rủ ra phía ngoài làm kèo nhẹ nhẹ rồi về. Tôi thấy đã trễ, cộng với làm biếng lội nên thôi – cứ ngồi nhây đây chút coi sao. Anh chỉ điểm xem ra rất đau khổ, sốt ruột …
Giữa lúc khí thế đang ngán ngẩm, bỗng đâu cả bọn nghe con mồi Xuân Sơn, con mồi Thổ của tôi đổ gù thật mạnh. Sau đó là từng tràng, từng tràng, từng tràng … gù xối gù xả của con cu rừng. Con bổi về thắng vào cây tạp già chỗ treo mồi Xuân Sơn, không nghe một tiếng chiêu, không nghe một tiếng thúc, cứ thế vừa chuyền cành vừa đổ gù. Khi thì đứng 1 chỗ đổ gù như đào khoai trộm, lúc thì ra cành to, nhất bộ nhất bái gù theo nhịp … 3 AE ngồi phía trên, cách đó tầm 80-100m, chỉ nghe tiếng con cu rừng gù không. Khi nó dứt tiếng mới nghe được giọng gù của con Xuân Sơn với con Thổ (gần đó) gù nho nhỏ vọng lên. Con bổi vào thế, gù áp đảo một chặp rồi ra, nhớm đuôi muốn bay qua cây con Thổ, con mồi gù gấp gấp, bổi quay trở lại, chuyền cành, vào thế, áp đảo, sau đó quay trở ra … cứ như vậy đến lần thứ tư thì bổi nhẩy cầu tử.
Con bổi muốn qua bên cây con Thổ mà do con mồi cột chân không đi được. Sai lầm ngớ ngẩn của tôi là đã máng con Thổ quá gần con Xuân Sơn, điều này làm cho con bổi xao nhãng, may mà bắt được con chim bổi chứ không thì chỉ do một chút lười biếng của mình thôi, tôi đã tự tay vứt đi con chim bổi, mà cỡ con bổi này đối với tôi, có lẽ tôi sẽ chẳng thể gặp lại lần thứ hai …
Úy giờ ơi, anh bạn chỉ điểm phấn khởi ra mặt.
Tôi lội xuống thu kèo xong, cả bọn ra chỗ anh ấy máng lụp để thu kèo đi về. Ra gần đến nơi, nghe chim đấu ác liệt. Không biết trận đấu căng thẳng dồn dập từ lúc nào rồi. Chúng tôi ngồi thụp cả xuống. Con bổi bên này gù kinh khủng quá. Nó xoắn xít lấy cái lụp chấm chân đâu là đổ dây gù ở đó. Không biết là do gió thổi hay do bị đá xẹt mà cáy lồng bị xoay mất tiêu nhánh thế. Con mồi của anh bạn nằm trong lụp đấu với bổi theo thế chơ quơ chớt quớt … Nhưng nó cũng chẳng vừa vặn gì. Nó không gù nhiều như con bổi nhưng nó bám theo con bổi không bỏ dây gù nào. Con bổi này quá dữ, nó bám sát, không buông lồng ra. Dường như suột trận đấu, nó ra không cách lồng quá 2 m. Con bổi cứ thế hành hạ con mồi đến gần 5h (khoảng 45 phút kể từ khi AE chúng tôi đến nơi), sau đó nó lên cành treo lụp, thả bom xuống cầu tử.
Vì anh bạn bắt được con này nên tôi sẽ nuôi con chim kia. Túm lại chim ai túm thì nấy nuôi ...
Úy giờ ơi, anh bạn chỉ điểm … Kể từ đó, trên đường về, hôm sau đi chém gió cà phê … anh ấy vẫn say sưa về chuyến đi bữa thứ bảy.
Về con mồi Xuân Sơn:
- Nước ngoài:
+ Nhược điểm: giọng nhỏ
+ Ưu điểm: siêng rao, nhạy sào, dặm rất dày, kèm dày, rước nhạy
+ Điểm lạ: gù cà lăm, gù la, vấp, hừ
- Trước trong: như miêu tả.
+ Nhược điểm: Hay chọt mặt lụp vì gù yếu.
+ Ưu điểm: biết gù
+ Điểm lạ: Khi đấu, thi thoảng nó đứng trên cầu cắm đầu xuống xoay tròn tại chỗ 1 vòng … giống như kiểu chơi trò chơi khi thua bị phạt chỉ tay xuống đất, chổng mông lên trời rồi xoay tròn 1 chỗ vậy.
Vài hình ảnh
Kèo của mồi Xuân Sơn
Xuân Sơn và bổi
Chim đã vào trại, xin mời các bác xem mặt mũi em nó:
Còn đây là mồi của anh bạn và bổi
Ảnh ké: Mồi Đồng Kim bắt tặng chủ 1 con trước khi về với chủ mới