Cùng lúc mất đi cả mẹ và bố khi mới lên 8, lên 10 tuổi, bên nội ngoại gần như chẳng ngó ngàng gì vậy nhưng hai em Bùi Thị Ly, Bùi Thị Tuyết, học sinh lớp 8A và 6A Trường THCS Dũng Phong, Cao Phong, Hòa Bình vẫn rất chăm ngoan, học giỏi.
Nỗi đau người ra đi
Biết tin bố các em mắc bệnh ung thư cổ chướng giai đoạn cuối, không còn sống được bao lâu, mẹ các em trở nên buồn rầu, chán nản. Đêm tối mịt mùng, chị bước đi vô định giữa cánh đồng mía mênh mông của làng.
Để rồi sáng hôm sau, người dân xóm Bãi Bệ 2, Dũng Phong, Cao Phong, Hòa Bình phát hiện xác chị dưới giếng hút nước giữa đồng. Cái giếng dùng hút nước tưới cho đồng mía khá sâu. Nó không có thành xung quanh miệng mà bằng lì với mặt đất.
50 ngày sau, người cha thân yêu của các em cũng trút hơi thở cuối cùng giữa những giọt nước mắt xót thương và khuôn mặt ngơ ngác của hai chị em.
Cái Tuyết (Bùi Thị Tuyết) khi ấy mới lên 8. Mặt em nhỏ xíu, mắt như dại đi, khóc thét lên, hai bàn tay ôm chặt lấy người chị Bùi Thị Ly. Hơn em hai tuổi, Ly- cô bé có cái tên thật lung linh- đã thực sự thấu hiểu nỗi đau tận cùng là như thế nào.
Xót thương người ở lại
Kể thêm về hoàn cảnh của bố mẹ các em, ông Bùi Văn Bằn, 67 tuổi, bố chồng bác Dấu cho biết: “Bố cháu, Bùi Văn Duân bị bệnh lâu rồi. Ngày trước, hai đứa lấy nhau có cái gì đâu. Bố nó đi ở rể, được thời gian thì mình gọi về đây, cho ít đây làm nhà với trồng trọt thêm. Ngày nông nhàn hai vợ chồng dắt díu nhau đi làm thêm, ai thuê gì cũng làm từ cày cuốc, khuôn vác, cưa xẻ”.
Xòe bàn tay thô ráp của mình ra, ông Bằn nhẩm tính: “Chúng nó về đây ở đã được 9 năm. Trước là cái nhà sàn lụp xụp, sau thì chính quyền xã Dũng Phong có cấp cho 6 triệu làm nhà tình nghĩa.
“Vợ chồng nó ốm đau suốt, tôi cùng anh Biên (con trai, chồng bác Duân) cùng các cháu bên này lại hùn vai vào, bỏ công chặt tre, dựng nhà giúp” – Tới đây giọng ông CHùng xuống, mắt buồn xa xăm: “Cái nhà nhỏ hai gian dựng lên, mẹ các cháu còn chưa kịp nhìn đã vội đi. Bố cháu ít lâu sau cũng bỏ con “về” với vợ”.
Tính ra bây giờ, cộng cả vợ chồng bác Biên, vợ chồng anh con trai và con trai nhỏ mới sinh, ông Bằn, hai chị em Ly, cái nhà sàn bé nhỏ ấy đang có 8 con người cùng chung sống.
Vốn ít nói, từ ngày bố mẹ mất, Ly và Tuyết gần như câm lặng. Căn nhà mới xây ngay cạnh giờ cũng bỏ hoang, không ai dám ở.
Tài sản quý giá nhất bố mẹ để lại cho hai chị em là con chim cu gáy nhốt trong chiếc lồng sắt nhỏ. Trước có người vào chơi, thấy con chim hót hay đã trả 3 triệu đồng mua nó.
Vợ chồng bác Biên nhìn cháu xót xa, chẳng đặng bán nó đi. Bây giờ, ngày ngày, hết hai chị em lại đến cậu con trai của bác Biên vẫn mang nó ra ngoài cánh đồng gần đó để cho nó hót giữa thiên nhiên bao la.
Chuyển sang với gia đình bác bá Biên, mọi người thường xuyên phải đi làm vắng. Ở nhà chị lớn phải lo hết cho em từ tắm rửa, giặt giũ. Mới 10 tuổi và 8 tuổi nhưng hai chị em từ trông cháu cho anh chị, cắt rau, nấu cám cho lợn, cấy hái đã trở nên quá đỗi quen thuộc với Ly và Tuyết.
Hai cô học trò giỏi, hát hay
Khó khăn là thế, song hai chị em vẫn học khá tốt. Ly và Tuyết liên tục là học sinh khá, giỏi của trường. Vừa qua, Tuyết đi thi và đạt giải công nhận môn Toán của huyện Cao Phong. Kết thúc năm học lớp 7, Ly đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Không chỉ học tốt, Ly còn là “cây văn nghệ” rất sôi nổi của lớp, trường. Em là quản ca của lớp. Cô Tống Thị Hải, tổng phụ trách Đoàn trường THCS Dũng Phong cho hay: “Hoạt động nào của trường, lớp Ly cũng nhiệt tình tham gia. Em là người dân tộc Mường nên hát mấy bài dân ca như “Đập bông bông”, “Mời trầu” rất hay và xúc động”.
Nghe cô học trò Bùi Thị Ly ca bài "Đập bông bông" và "Mời trầu" - Dân ca Mường
Ngoan ngoãn, chăm chỉ, có nhiều cố gắng trong học tập, nhiệt tình, sôi nổi trong các hoạt động của trường, lớp cũng là nhận xét của cô Bùi Thị Thoa, GV chủ nhiệm lớp 8A của em Bùi Thị Ly.
Đồng cảm với hoàn cảnh của hai chị em, những năm qua phía địa phương, cơ sở nơi hai em sinh sống, học tập cũng đã có nhiều hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cô Lê Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Dũng Phong chia sẻ: “Nhà trường đã miễn hoàn toàn học phí cho hai em, đồng thời các thầy cô cũng nhiều lần ủng hộ tiền và quần áo cho Ly và Tuyết. Đầu năm qua, Mặt trận Tổ quốc của huyện thông qua trường có trao tặng các em 1 xe đạp trị giá 800 ngàn đồng và hai cặp sách”.
“Hôm nhận được tiền hỗ trợ, tôi hỏi em sẽ làm gì với số tiền vừa được trao tặng thì Ly thật thà: “Em dành một nửa mua trứng gà cho các bác, còn lại nhét lợn, tiết kiệm cô ạ” – Cô Tống Thị Hải kể thêm với tôi.
Hỏi về ước mơ sau này, cả Ly và Tuyết đều mong ước trở thành cô giáo dạy Văn, bởi như Ly tâm sự: “Vì môn này dạy ta tình thương, giàu giá trị nhân đạo”.
Văn Chung
Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó.
[img]http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201008/original/images2023398_anh12.jpg[/img]
[img]http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201008/original/images2023389_ANH5.jpg[/img]
[img]http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201008/original/images2023415_ANH7.jpg[/img]
[img]http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201008/original/images2023416_ANH3.jpg[/img]
[img]http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201008/original/images2023417_ANH2.jpg[/img]
Nguồn:
http://www.baomoi.com/Info/Chi-em-mo-coi-va-con-chim-cu-gay-3-trieu-dong/139/4757757.epi