Chương trình từ thiện: Ấm áp vùng cao Hà Giang
Giải cu gáy đấu lần thứ nhất mừng SN diễn đàn 5 tuổi thành công tốt đẹp
Phóng sự: Nghệ nhân dân gian Trần Lữ
Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

Tác giảChủ đề: Bàn về cái ngu thứ 3  (Đọc 833 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

cuhoangtb

  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 424
  • Thanks 159
    • Xem hồ sơ cá nhân
Bàn về cái ngu thứ 3
« vào lúc: 08/10/2013 11:45:25PM »
Thưa các bác. Đêm đi trực lang thang trên mạng, lượm lặt được mấy bài nên mạn phép tác giả đưa lên đây cho ae cùng suy ngẫm:
Bốn đời phong lưu một thú chơi
Trong một lần xuống Cà Mau, tôi được tiếp kiến ông Ba Thành, người được coi là truyền nhân của ông tổ nghề gác cu ở Cà Mau. Năm nay ông Thành đã hơn 80 tuổi, cả cuộc đời ông là một thiên truyện về cái nghề chơi này. Ông Ba Thành sống trong 1 ngôi nhà nhỏ ở TP. Cà Mau. Vây quanh nhà ông là gần 30 chiếc lồng cu thi nhau gáy. Mỗi ngày ông tiếp hàng chục lượt khách, chủ yếu là đệ tử, sư đệ đồng môn đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Ba Thành kể nghề chơi này đối với gia đình ông mang tính gia truyền. Bắt đầu từ ông cố, truyền lại cho ông nội, rồi đến cha ông và truyền lại cho ông, tính đến nay đã 4 đời, cộng lại gần 200 năm chơi cu.
Ông Ba Thành nói, chính cái nghề chơi này đã đưa ông đến xứ Cà Mau, nơi tận cùng của đất nước rồi cắm rễ lại đây, chứ kỳ thực ông quê ở Sóc Trăng. Thân sinh ông học đến tú tài thời Pháp, lại giỏi cả Hán-Nôm và võ nghệ cao cường. Sinh thời ông dạy học ở đô thành Sóc Trăng, nhưng vì mê gác cu, bạn bè rủ rê, ông chấp nhận về Cà Mau sống, làm một ông giáo làng để thỏa chí chơi cu.
  Trong ký ức ông Ba Thành, hồi 9, 10 tuổi đầu đã lẽo đẽo đi theo cha học nghề gác cu, được ngồi nghe các bậc cha chú đàm luận về cái đạo của nghề chơi. Ông Ba Thành nói thời đó cái thú chơi này chỉ dành cho những bậc thượng lưu, nho nhã. Người chơi gác cu tâm hồn phải sáng, “thoát tục”, có được phong thái ung dung, tự tại thì mới dành hết tâm trí, niềm đam mê cho cuộc chơi, mới thưởng thức được cái hay, cái thú của phong lưu.
 Theo ông Ba Thành, chim cu có ít nhất 7 giọng khác nhau được chia ra: sấm, đồng, thổ, đồng kim, đồng chuông, thổ thùng (sền), đồng thổ. Giọng nào cũng hay nhưng dân chơi chim thường chuộng con có giọng đồng thổ hơn vì là giọng dịu dàng nhất. Sách “Phong lưu cũ mới” của ông Vương Hồng Sển cho rằng: những con chim cu nào gáy được tiếng ba, tiếng bốn, tiếng năm mà dân trong nghề gọi là ba, bốn hay năm “cốt” tức: “Rục cu… cu… cu…” thì đó là chim bạc, chim vàng. Dân trong nghề thừa nhận chỉ cần 3 cốt thôi đã là chim quý, còn từ bốn, năm cốt thì quá hiếm.
Tuy nhiên chim quý phải được chứng minh bằng bản lĩnh và sự khôn ngoan nơi “trận mạc”. Ông Ba Thành bảo, con chim mồi tốt phải biết bo, kèm, dập tốt khi lâm trận. Nghĩa là nó phải khéo ăn, khéo nói, văn hay, chữ tốt, biết “xuất khẩu thành thơ” phun châu nhả ngọc, nói sao cho đối thủ phải hết đường chống đỡ, giận quá mất khôn mà lao vào cạm bẫy
Riêng về âm giọng của cu, cũng được chia ra nhiều loại, chim gáy có tiếng “thổ” có nghĩa là chất giọng trầm, ấm; chim gáy có tiếng “còi” tức giọng thanh, cao; nếu chất giọng nằm giữa 2 thứ gáy trên còn được gọi là tiếng “pha”.
Về hình thức, con cu nhìn phải đẹp, thân hình cân đối, lông màu sáng, đầu nhỏ, mắt bé, con ngươi đen nhiều, cườm dầy, quấn kín cổ, chân phải dài màu đỏ son, lông che kín xuống đầu gối. Đối với những chú chim như thế, có giá cả mấy chục triệu đồng.
Theo ông Thành, hiện tại ông đã qua tuổi bát tuần mà vẫn chưa có người con nào nối nghiệp để bước sang đời thứ năm của một gia đình phong lưu, nhưng ông già vẫn ung dung sở hữu gần 30 con cu mồi “chiến”. Tôi hỏi liệu cái nghề chơi này của gia đình ông sẽ dừng lại ở đời thứ tư, ông cười hiền đầy tự tin nói: “Các con tôi bây giờ mỗi đứa một nghề, nhưng khi “đến tuổi” tự khắc chúng sẽ thấy cần chơi!”.
 
Những thú chơi là cả một gia tài
Từ ngày bỏ quê ra phố, anh Sỹ Tân (quận Gò Vấp) gửi lại mấy con cu mồi cho bạn bè nuôi, lòng buồn nao nao. Những tưởng Tân bỏ luôn thú chơi tao nhã này. Nào ngờ vừa đặt chân lên Sài Gòn, Tân mới biết rằng ngay chỗ mình ở trọ, có 1 hội gác cu. Bạn “đồng môn” đông quá cỡ, trong danh bạ điện thoại của Tân hiện giờ đã có hơn 50 người. Theo Tân ước tính, chỉ riêng quận 12, Hóc Môn, Gò Vấp, đã có hàng trăm người chơi phân thành nhiều nhóm. Tân bảo, ở Sài Gòn, chơi gác cu còn “máu me” hơn các tỉnh.
Theo thân thế và địa vị xã hội, dân chơi gác cu Sài Gòn có thể tạm thời chia làm 2 loại khác nhau, một thuộc loại bình dân, có gì chơi đó, một loại khác là giới thượng lưu, sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu một chú chim ưng ý. Giới thượng lưu mỗi lần “xuất quân” đi toàn bằng xe xịn cả trăm ngàn đô nên cuộc chơi của họ rất tiện nghi, sang trọng. Tân kể cho tôi, nhiều người chơi cu sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu để được sở hữu một cặp chim cu ưng ý.
Riêng con cu mồi của Tân, lúc mua trị giá 7 triệu, sau 2 năm, có người trả lên 20 triệu nhưng Tân nhất quyết không chịu bán. Tân kể: “Người chơi gác cu cũng như một nghệ sĩ chơi đàn. Nghệ sĩ nào muốn đàn hay thì phải có cây đàn tốt, cũng như người gác cu, phải có được con cu mồi giỏi. Mình bán con cu giỏi, cũng như nghệ sĩ bán cây đàn tốt nhất thì còn gì là nghề chơi nữa. Cho nên đối với con cu này, giá nhiêu mình cũng không bán”.
Con cu mồi được ngã giá 20 triệu ấy, Tân mua lại của một bạn “đồng môn” hồi còn ở Cà Mau, tính đến nay cũng được 17 năm kể từ ngày bắt ở rừng về. Nếu tính cả tuổi rừng, ước chừng cũng trên dưới 20 năm tuổi. Theo ông Ba Đức ở Cà Mau, một người có trên 50 năm trong nghề chơi thì đó là một con chim hay, giọng “thổ”, một chất giọng mà dân chơi ưa chuộng.
Theo ông Ba Đức, trong số các loại chim cu thì chim Huỳnh Kiền là loại được nhiều người săn lùng nhất. Đây là con chim có bộ cườm vàng đóng từ trên đầu “ót” xuống tới bờ vai, tất cả các hột cườm đều vàng. Đối với loài này thì những con có bộ lông màu nâu đỏ mới có bộ cườm như thế. Chim Huỳnh Kiền có nhiều đặc tính như gù nhiều nhất, nuôi lâu ra mồi nhất, khó chịu, nóng tính nhất và rất hiếm gặp, được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất cu”.
Ông Ba Đức cho biết, cái thú vị nhất của thú chơi này không phải là giá trị của con cu đắt rẻ thế nào, tập tính của cu ra làm sao mà là lúc ngồi “gác cu”, xem con mồi và con bổi (cu rừng) vờn nhau đấu khẩu. Lúc đó chúng sẽ bộc lộ hết bản chất đâu là “tiểu nhân” đâu là “quân tử”.
Theo thuộc tính của loài chim cu, chúng sống thành từng đôi một. Một cặp vợ chồng nhà cu chiếm một khoảng không gian nhất định để làm lãnh địa sống (sau mùa lúa chín, chúng nhập bầy đi tìm thức ăn, xong ai về nhà nấy chọn 1 cây làm nhà – dân gác cu gọi là “cội”) nên khi người gác cu đưa bẫy, bên trong có chim mồi vào đúng lãnh địa của chim rừng, con chim rừng thấy có đối thủ dám xâm phạm lãnh địa, thế là cuộc chiến diễn ra.
Con chim rừng khôn ngoan giống như người “quân tử”, có ‘văn hóa” nên trước hết nó phải dùng lý để đấu khẩu với kẻ xâm phạm để tìm hiểu nguyên nhân, thấu tình đạt lý.

Lúc đó người chơi cu núp trong lùm cây thưởng thức, muỗi cắn không dám đập, sâu chạm không dám gãi. Hai con chim trên cành cây đẩy nhau quyết liệt có khi cả buổi trời bất phân thắng bại mặc cho người chơi nấp trong lùm cây đói mờ cả mắt, cuối cùng phải “thu quân”, hoặc con mồi đuối lý, tâm phục khẩu phục, người gác cu phải tính đến chiến lược mới. Hoặc nếu gặp con chim rừng thất học, hồ đồ, lòng dạ “tiểu nhân” thấy khách lạ đến nhà, không phân biệt bạn thù, nóng nảy, hét lên vài câu rồi xông vào chiến thì sập bẫy. Gặp loại ấy, người gác cu mất đi hứng thú.
Ông Ba Thành kể, thế giới loài cu có những con khôn đến kỳ lạ, không dễ gì dụ được chúng vào bẫy. Chúng thà đổi vùng tìm “cội” mới chứ không dễ bị đánh lừa. Người chơi gặp những con cu như vậy mới hứng thú và quyết bắt cho bằng được rồi về thuần chủng làm cu mồi. Suốt 70 năm lang thang khắp các nẻo làng quê, các vùng miền, ông Ba Thành nghiệm ra một chân lý đối với người chơi cu phải biết trọng nghĩa khinh tài, phải biết nhớ câu “Vật khinh, hình trọng” để phân biệt chánh tà.
Nếu có con chim hay, chim tốt, người xấu hỏi mua bao nhiêu cũng không bán, gặp người tốt, để kết tình tri kỷ thì tặng không, một xu cũng không nhận. Phải biết giữ cốt cách ấy thì nghề chơi mới lâu bền được. Bởi gác cu, ngoài cái thú tiêu giao để ngẫm ngợi cuộc đời, để được những ngày tháng tự tại ung dung cùng trời cuối đất thì không có mưu cầu gì khác.
Trích từ nguồn:http://www.thegioitrongta.com/article/195/p-166/children-166/child-168/De-nhat-phong-luu-nhung-thu-choi-gac-cu,-ga-kieng....html
MÊ CU GÁY

cuhoangtb

  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 424
  • Thanks 159
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re:Thú vui gác cu - Bàn về cái ngu thứ 3
« Trả lời #1 vào lúc: 08/10/2013 11:49:25PM »
                                                                                                                                                                                               
         
"Ở đời có bốn cái ngu : mai dong , nhận nợ , gác cu , cầm chầu."
[/size][/b]

         Đã từ lâu, tôi cứ thắc mắc mãi, chỉ hiểu được ba cái ngu 1; 2 và 4  thôi, chứ không thể nào hiểu được cái thứ 3 ( gác cu ) là ngu ra làm sao cả ! Đi hỏi những bậc cao niên hơn thì cũng được trả lời: Gác cu là ngu có nghĩa là ngồi canh cái lồng có nhốt một con cu mồi để nó gáy dụ những chim cu khác đến cho sập bẩy.   Tôi tưởng tượng và suy luận, nếu thế thì đây là một cái thú tiêu khiển thanh nhàn : gạt bỏ mọi phiền toái nhân gian, tìm vào chốn sơn lâm thoáng mát, cây gió im lìm, hương hoa trăm thức, ngát mùi rừng núi bao la. Ta ngồi thả hồn say đắm vào tiếng cu rúc lên từng hồi, để tận hưởng cái thú, cái khoan khoái của sự đoán định tiếng cu còn ở xa hoặc gần, cu non hay cu già, rồi ta sùy con cu mồi và lắng tai nghe hai chú cu vươn cao cổ cất tiếng gáy đối đáp, có tiếng nghe như chọc ghẹo nhau, lúc như châm chích, tức bực như muốn sấn sổ vào nhau. Cuối cùng không chịu nỗi tiếng gáy có tập luyện của chú cu mồi, con cu hoang nhào vào ăn thua đủ và…sập bẩy !!! ta thở phào khoan khoái như chính ta đã chiến thắng sau một cuộc so găng…!

           Gần đây lại đọc lại cái truyện ngắn của cụ Sơn Nam, trong truyện cụ có kể về một buổi đi gác cu của một nhân vật tên là Hai Kiểm, đọc xong tôi vẫn cảm thấy …chưa được thuyết phục ! Đây là lời của nhân vật trong truyện “ Bốn cái ngu “ của cụ :
        “ Tao chờ đợi... mắc mưa suốt buổi. Con cu mồi hay quá. Rốt cuộc con cu rừng chịu đá lộn, mặc dù bị gài bẫy nhưng cũng đá. Vui quá... Ủa! Ngu quá. Con cu rừng đó, tao cho vợ chồng bây nướng ăn. Hồi xưa, nhiều người đi gác cu như tao, ngồi rình mò dè đâu phía sau lưng có con cọp đang chờ ăn thịt họ. Gác cu không đem lợi lộc gì ráo mà mình ham. Cái thói phong lưu đó nguy hiểm lắm. Nếu mày không ra ngoài cứu kịp thì tao á khẩu, chết luôn ngoài bụi tre rồi. Đó là cái ngu thứ ba: “Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu mà! ”

      Nếu thế thì chẳng qua là xui thôi chứ đâu phải là ngu ! Thế là tôi quyết định đi đến thăm ông giáo hưu trí để hỏi coi sự thể là thế nào ! Gặp ông, tôi vào đề liền:

-Ông có biết gác cu là làm cụ thể  cái công việc gì  và tại sao lại bị ông bà xếp vào một trong 4 loại “ tứ ngu “ không vây !
        Như thường lệ, ông  chậm rãi nói:
     - Muốn biết cái ngu thứ ba nó có ngu hay không thì phải hiểu cho rõ ngọn ngành ba cái ngu kia đã :
Mai dong  là làm cái nghề mai mối , nhưng làm theo kiểu “ a ma tơ”, không có tính cách chuyên nghiệp, không ăn tiền ăn bạc của ai, làm chuyện khơi khơi , nếu họ lấy được nhau , sống hạnh phúc thì không nói làm gì, chứ lâu lâu đánh lộn đánh  lạo, chửi bới nhau thì họ lại “đào mồ cuốc mả ”ông ( bà)  mai lên mà chửi. Nhận nợ thường  là hai bên, bên vay và bên cho vay chỉ quen nhau sơ sơ thôi, nhưng không ai tin ai, nhưng hai bên lại là chỗ quen thân với bản thân mình, nhờ mình đứng ra bảo lãnh (chịu trách nhiệm), nếu người vay không trả (quịt)  thì mình giơ lưng ra mà nhận món nợ đó.  Gác cu thì lâu nay ai cũng nói là canh cái lồng nhốt một con chim cu, để nó  gù gáy làm sao để các con chim khác lại gần và …sụp bẩy !

      Cuối cùng là cầm chầu ; trong bốn thứ, thứ này phải kể lòng dòng  lắm !  Đại khái ngày xưa, ở  nhiều làng xã, vào dịp Tết hay làng có hội hè đình đám, các viên chức trong làng thường hay mời đoàn hát chèo đến, hát một hay hai đêm để mua vui cho bà con lối xóm trong mấy mấy ngày hội . Tiền quĩ thưởng của làng là số tiền cố định, được giao cho vị chức sắc gọi là Cai (Cầm chầu) để làm tiền thưởng cho đoàn hát .Số  tiền này được quy đổi thành 100 cái quạt (nan); những cái quạt nan này được đặt trong một cái mâm gỗ hay cái chậu, cái mẹt … Sau khi mở màn, đào kép diễn tuồng tích, khi có người  nào ca hay,  vị  chức sắc cầm chầu đánh lên một hồi trống khen, liền sau đó là  một cậu bé  khoảng 13 ,14 tuổi cầm một cái quạt nan ném lên sân khấu . Nếu khen ít thì không nói làm gi,  mà khen nhiều quá, quăng lên sân khấu quá 100 cái quạt nan, thì khi mãn tuồng , vị cầm chầu phải móc tiền túi ra mà thưởng cho đào kép . Ngoài ra,  nếu cầm chầu mà” kẹo” quá (không khen hoặc khen ít )  thì những diễn viên đào kép thường kiếm cớ để chửi  ! …”
       Sau một hồi giải thích rất bài bản, ông bạn tôi “phán “ ngay một câu:

-“ Cái mà ta gọi là ngu thứ ba mà ông vừa hỏi,  xét theo công việc và tính chất có gì giống với ba cái ngu trên không ? Rõ ràng là không . Ba cái ngu kia mang là công việc của người trung gian, là đòn kê, hoàn tòan không dính dáng chi đến bản thân của mình,  mà lại có thể thiệt hại vào thân . Nói chung là ba cái nghề đó đều có thể cho là NGU cũng được ( nếu gặp sự cố !) .  Một bửa nọ, tình cờ  gặp một ông bạn có máu văn chương đã lâu không gặp, tôi đem cái ngu thứ ba đó ra để hỏi và được ông giải thích rất sách vở là : cũng có thể  là gác ngu là ngu !  nhưng gác cu không phải là ngồi canh cái lồng cu mà gác ! Để chỉ cái ngu giống như chuyện  gác cu thì  còn có 2 câu nữa,  nghĩa cũng tương tự như  là chuyện  gác cu đó là “Ăn cơm nhà vác ngà voi.” và “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng “ !
        Câu trước có nghĩa là vào thời xa xưa, phái bộ nhà vua đi sứ, nếu chuyến đi  phải mang  ngà voi ( hay sừng tê giác, hay bạc vàng.. ) nặng thì  khi phái đoàn sứ đi qua địa phương nào, dân chúng địa phương đó phải thay nhau mà vác “chùa”. Khi đoàn qua trấn Nam Quan thì dân chúng đia phương Quảng Tây vác tiếp . Nghĩa của câu sau ngày xưa, tại nhiều tỉnh miền bắc như Hải Dương, Quảng Yên ..hay bị  nạn giặc Tàu Ô tràn vào cướp bóc, từ đó làng xã giao công tác cho một số thanh niên có nhiệm vụ canh gác và thổi tù và báođộng cho bà con lối xóm cảnh giác khi có giặc cướp tới, nhiêm vụ này hoàn toàn  tự nguyện.   

         Riêng chuyện gác cu thì có nghĩa như vầy: ở một số tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình,  Kiến An …khi đến tháng mười lúa chín, chức sắc của làng thường chỉ định một số người (đa số là thanh niên) hoặc có người tự nguyện làm cái nghề gác cu. Chim cu này là cu ngói, gác đây là hành động canh gác (chớ không phai là gác cái lồng cu lên cành cây) . Khi phát hiện từ xa có đàn chim vài chục, vài trăm con thì người gác cu phải la lớn lên . Để người giăng bẩy  bắt chim cu giật dây sập bẫy,  bắt hết. Nếu lo chơi, để chim sà xuống ăn lúa,  ăn xong chim bay đi mới hô hoán thì bị bà con chửi rủa ghê lắm…!
        Câu thứ ba (gác cu)  là nói về việc làm không mang lại cho người làm một sự lơi ích nào cả, làm tốt thì không ai khen,  mà làm không tốt thì bị chửi, bị thiệt hại .Sau nhiều  năm nghiền ngẫm từ gác cu, tôi mới tạm hiểu là như thế …”
Nguồn: http://sachxua.net
« Sửa lần cuối: 08/10/2013 11:51:07PM gửi bởi cuhoangtb »
MÊ CU GÁY

Tho

  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 278
  • Thanks 138
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Bàn về cái ngu thứ 3
« Trả lời #2 vào lúc: 09/10/2013 08:18:21AM »
Chuyện này theo  tôi tìm hiểu thì như bạn nói đúng là ngày xưa ở các tỉnh phía Bắc trong làng cử vài người đi gác cu là canh chừng cu bay xuống ăn lúa khi sắp đến mùa thu hoạch, nếu không phát hiện thì kịp thì cu sẽ ăn lúa của làng thì sẽ bị la mắng, cuối vụ mùa màng thất thoát nên phải canh gác để bắt cu.

Ngoài ra một số tài liệu còn nói rằng ngày xưa một số làng ở phía Bắc có cái chòi canh được làm rất cao, bên trong làm sơ sài như là ổ cu, để thanh niên trong làng thay phiên nhau trực canh gác quanh làng mình xem tình hình an ninh quanh làng như xem có lửa cháy, giặc đến,.... để kịp thời báo động làng mình biết mà ứng phó. Cái chòi canh gác đó làm đơn giản như ổ cu chủ yếu lên đó ngồi canh gác, nếu không mai ngủ quên mà có chuyện gì xảy ra thì người canh gác đó chịu trách nhiệm trước dân làng. Canh gác thành công thì không ai khen, nhưng có chuyện gì thì phải gánh chịu. Nên "gác cu" ở đây được hiểu là cái ngu là vậy.

Theo tài liệu mình đọc thì thấy vậy, còn gác cu hay đi bẫy cu như mấy anh em mình thì không phải là cái ngu mà là thú chơi tiêu khiển, thanh tao, thư giản sau những ngày làm việc vất vả.

Còn bây giờ thì hầu hết họ đều nghỉ cái ngu thứ ba "gác cu" là đi bẫy cu phải rình, canh con bổi không dám chút nhít, muỗi cắn không dám đập,..... cũng không hẳn phải như vậy. Vì lúc đó niềm đam mê đã nỗi lên thì quên hết tất cả chỉ tập trung cho bổi với mồi là vậy. Trên trang cugay này ở trang chủ tôi cũng thấy có bài bình luận cái ngu thứ 3 được hiểu như vậy không biết có đúng không ?

Tôi cũng bị một số người chọc ghẹo là mê cái ngu thứ 3, khi đó tôi dẫn chứng 2 vấn đề trên thì người ta không nói gì hết. Anh em cũng rút kinh nghiệm mà giải thích nếu bị chọc ghẹo là mê cái ngu thứ 3 này nhé.

Chia sẽ thêm cùng anh em.
« Sửa lần cuối: 09/10/2013 08:20:06AM gửi bởi Tho »
Đêm nằm mơ thấy bẩy cu
Thế là tỉnh giấc soạn cu lên đường
Đến nơi trời sáng vui mừng
Quyết tìm con bổi lẫy lừng về nuôi

 

Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

AUTO [F9]TELEX VNI VIQR VIQR* OFF Check Spell Old Accent