Huyền thoại chú gáy già.
Trời đã xế chiều, nắng chỉ còn le lói trên ngọn núi Bà Nà rọi xuống thung lũng Khe Mọi một mảng màu vàng nhạt trông thật nên thơ và pha lẫn chút u buồn, tịch mịch.
Hai anh bạn gác cu một trẻ, một trung niên lách mình đi vào thung với niềm kỳ vọng, ao ước bấy lâu sẽ thành hiện thực, chiều nay một trong hai người sẽ chinh phục chú gáy rừng có giọng “ ông già hút thuốc rê” , cái giọng đó đã làm không biết bao nhiêu người mê mệt, cái âm điệu và tiết tấu của giọng gáy làm say đắm lòng người mà không một ngôn từ nào diễn tả được. Nó là giọng thổ, còn thổ gì thì mỗi người gọi theo cách riêng của mình qua cảm nhận lúc nó gáy, có người bảo nó là giọng thổ rền, có người gọi thổ sấm, lại có anh bảo là thổ bầu, thổ lùm, thổ đất…thôi, thì ai gọi sao cũng được miễn chấp nhận nó là giọng thổ.
Sau khi hai người bạn đã treo hai con mồi chiến lên các cây đã được chọn kỹ càng, đó là hai cội Trâm già đứng gần sát bìa thung lũng, mỗi cội cách nhau hơn trăm mét. Hai chim cu mồi thi nhau gáy vang, vọng vào núi và dội vào tai nghe thật trầm hùng, cảm khoái. Tuy nhiên, không một lời tri âm đáp lại của một giọng gáy nào, trừ hai giọng của hai chú mồi một đồng , một thổ pha quyện vào nhau đan xen với tiếng suối róc rách.
Khoảng mười lăm phút sau, từ trên đồi cao ở về phía ánh mặt trời một giọng gù thổ vang lên, một trong hai người đếm thử: một, hai,…mười, …hai mươi,…ba mươi chín, bốn mươi. Cha mẹ ơi! Nó gù đến 40 tiếng, Hùng! cậu nghe đã cái tai chưa?
Em nghe rồi, hay quá anh Năm ơi! Và chỉ chờ như thế, cặp mồi thi nhau mở hêt công suất: thúc, lèo, dặm gù, gù rước hướng về phía chim rừng.
Con bổi rừng tinh khôn nó không thèm trả lời đồng loại, nó vỗ cánh phành phạch lao vút lên không trung sau khi đạt độ cao, cao hơn ngọn đồi cả trăm mét, nó lượn vòng tròn thật đẹp mắt trông như con ó đang liện vòng quan sát các con mồi và nó buông cánh lượn thẳng băng chỉ có gió nâng cơ thể, nó gù một tràng chục tiếng.
Anh Năm ơi! trời con này bay liện mà kèm gù nữa chứ.
Ừ, đây mới thật là con gáy anh thấy lần đầu trong đời chơi cu mấy chục năm của mình! không thể chê vào đâu cho được Hùng ơi, không biết mấy con mồi có làm chi được hắn hay không?
Không cần đâu anh, em nghe và thấy như vầy đã sướng lắm rồi.
Con gáy rừng sau khi gù một tràng, nó liện một vòng thấp nữa rồi đáp về chỗ cũ, hai con mồi như được kích thích càng thêm hăng, thi nhau gù rước với con gáy rừng. Không chần chừ gì thêm, con gáy bổi tung cánh lên trời một lần nữa và lao mình về ngay cội Trâm già nơi con thổ pha đang gù rút như cái máy. Chổ nấp không quá xa nên có thể quan sát rất rõ, để cho sướng anh Năm lấy cái ống nhòm hiệu thể thao của Nga đưa lên chỉnh ngắm và quan sát trận thư hùng.
Hùng, nó đậu vô thế liền em có thấy không? Dạ, nó gù rồi kìa. Con mồi chưa kịp mở miệng nó đã gù từ ngoài vô luôn anh ơi, ừ con mồi đã gù trả rồi, nhưng… chỉ trả được đúng có chín sạt! Ôi, nó gù lấn anh ơi…. Chết cha rồi! con mồi có vẻ lấc láo rồi, nguy hiểm quá Hùng ơi.
Anh Năm cố chỉnh cho ống nhòm thật chuẩn và buộc miệng: Này, em xem thử con này có phải là con cu không. Sao anh thấy ớn lạnh qúa trời, Cu gì mà cái mặt đen thui thui như con Bìm bịp?
Ừ, cái mặt đen quá xá, đúng là con cu lạ nhất trên đời. Nhưng nó đen cái mặt thôi anh ơi, cườm và thân, đuôi đều bình thường mà. May mà có ống nhòm chứ nếu không mình không thể nhìn kỹ cái mặt của nó.
Con mồi đứng im như bị con rừng thôi miên, nó không còn gù nữa, nó khiếp sợ rồi, nó chúi đầu vào giỏ lúa như tránh cái mặt đen thui của con gáy rừng.
Nó bị bể rồi Hùng ơi! không còn gì để cứu vãn được hoàn cảnh này, chỉ còn trông vào con đồng Đại liên của cậu thôi, trời ơi con gáy bổi kinh khủng quá!
Con gáy bổi thôi không gù, nó đã biết đối thủ của nó đã thua và thua tâm phục, khẩu phục. Bên kia con Đại Liên vẫn thúc dặm gù ráo riết, nó vỗ cánh bay sang cây con mồi đồng và vô luôn thế, chú mồi gù đáo để. Con bổi đứng im như quan sát đối thủ của mình, con mồi đồng đúng là xứng danh Đại Liên, thôi thì nó thúc gù thật hay: thúc một tiếng kèm gù một tràng, thúc một tiếng gù hai tràng như súng đại liên vào trận…cở tàn hơn nữa điếu thuốc, con bổi rừng xù lông cổ và lông lưng trông như con gà đá, nó bắt đầu gù và gù sạt nào ra sạt đó, đếm lại cũng đúng bốn mươi tiếng không thiếu một tiếng nào trong mỗi sạt. Và thật lạ thay, không như con mồi thổ pha còn gù đấu được chín sạt, đằng này con đồng sau khi gù một mình như vậy tưởng đâu sẽ đấu ác hơn nhưng nó cũng chỉ gù đấu đúng năm sạt với con bổi giọng thổ, sau đó chỉ còn nghe con bổi độc tấu…thật lâu con mồi đồng có thúc vài tiếng nhưng không căng như lúc đầu, giọng thấp hơn có vẽ như sắp đầu hàng chịu chung số phận với con mồi thổ pha bên cây kia.
Quả đúng như vậy! con mồi không còn thúc, đứng thun người một cục, mặt quay vô trong như tránh cái mặt đen của con bổi…trời đã gần tắt nắng, chỉ còn sót lại vài tia yếu ớt, cái lạnh se se ở miền núi bắt đầu xuất hiện, làm tăng thêm nỗi thất vọng cho một cuộc chinh phục không thành, mang niềm đau thất vọng cho hai bạn gác cu lồng.
Tất cả đều im lặng bao trùm thung lũng, con gáy vẫn chưa chịu rời tàng, nó còn ở đó không biết để làm gì? Trời sẩm xuống thật nhanh, con gáy bổi giọng thổ vỗ cánh lao vút vào khoảng không hoàng hôn, khi chỉ còn nhìn thấy một chấm mờ thì bỗng đâu một giọng ông già khàn khàn như đang bịnh từ không trung vọng xuống: “ Thôi, mấy chú về đi, già mệt rồi! vì cảm kích niềm đam mê của hai chú nên già mới ra mặt một chút, về nhắn lại mọi người đừng lên đây nữa nhé, để già dưỡng bịnh, già đã ngót trăm tuổi rồi còn gì.”
Hai chúng tôi không ai bảo ai, lặng lẽ rút chim mồi, xếp lồng và vạch cây ra khỏi thung, cố gắng đi thật nhanh, sống lưng nỗi gai ốc và lạnh người.
Hùng ơi, anh Năm nói nhỏ: có nghe lúc nãy ai nói gì không? Hùng khựng lại và nhìn tôi gật đầu, cái mặt hắn trông lợt lạt khác thường, hình như không còn một chút máu./.
Mình viết bài này gởi anh em diễn đàn đọc chơi cho vui thoả tâm tình người gác cu.
Ae nào cho hỏi: sao mình không cảm ơn được đọc xong bài các bạn là sao, mà cảm ơn chỗ nào?