Kỷ niệm đi bẩy con cu vịt !
Năm ấy khoảng năm 1982, tôi đang học lớp 8, cũng là năm đầu tiên tôi mê cu đấy, thời điểm lúc ấy vẫn đánh lụp (chưa biết đánh dò), nhà tôi nằm trên con giồng cát, cây cối tập trung chủ yếu cây dầu, cây còng và tre gai …, cách nhà khoảng 4 km về hướng nam là một con rạch nhỏ gồm nhiều bờ đìa, cây cối chủ yếu là cây bần ổi, địa bàn rất thích hợp cho việc đánh lụp…
Tôi còn nhớ như in trong đầu, hôm ấy vào một buổi sáng tháng 2 âm lịch, một buổi sáng chủ nhật thật đẹp trời…Lối chừng 4 giờ 30 phút sáng, Ba tôi, Chú tôi và tôi, người cầm sào, lụp, người sách lồng chim mồi, người mang thức ăn, nước uống theo để dùng cho cả ngày. Sau 45 phút băng cánh đồng đầy sương mai ước đẫm cả quần áo, Chúng tôi đã đến bờ đìa cao, bên trên có một cây bần ổi cao chừng 4m, nhưng nhánh thì um tùm cộng với dây leo rất nhiều, làm cho việc chọn kèo (nhánh thế) rất khó, vì ở miền Nam chơi lụp khác với lụp treo của miền Trung, lụp của miền Nam thì lồng và bẩy cùng nằm trên một trục thẳng, lụp được gắn liền với một cây sào thông qua một lổ mộng có gắn chốt đinh, thường làm bằng cây tầm vông nhỏ, uốn lửa rất thẳng và bào rọt rất đẹp, phần mõ lụp (còn gọi là đầu sấu) được vót lõm lên sao cho gác lên một cành cây gọi là kèo thì nó ôm sát như một cành cây, vì thế con bổi (chim rừng) không nhát lụp và nhanh đá. Ba tôi và Chú tôi leo lên cây, người thì dùng lưỡi hái (dùng để cắt lúa) dọn những dây leo, người thì chặt bớt những nhánh cây um tùm không cần thiết, trời mờ sáng công việc dọn kèo cũng vừa xong, nhiệm vụ của tôi lúc này là giữ làm sao đừng cho những chú chim mồi đừng cất tiếng gáy, nếu gáy thì con chim bổi bay về ngay và công việc mai phục coi như bị bại lộ và nó rất nhát lụp.
Ba tôi nhẹ nhàng mở cửa lụp, một tay kéo cửa lồng chim mồi, con mồi chiến của Ba tôi rất nhanh, nhảy thọt vào lụp rất chuyên nghiệp, đóng cửa lụp và đưa lên kèo gác, lúc này trời đã sáng hẳn, con mồi cất tiếng gáy (chiêu) Cúc cu cu …, cục, gáy được vài tiếng thì bên trong bờ đìa bên kia nơi có một cây Gừa to thân ngã trùm lên cả cái đìa lớn có tiếng đập cánh bập, bập, bập và một chú chim bổi bay thẳng lên bầu trời, hai cánh dang rộng ra, cái đuôi thì xòe như cái quạt, cứ thế nó lượn trên cao hai vòng quanh cây bần nơi có con chim mồi đang thúc, đang bo (gù) ào ào …, Con bổi hạ độ cao từ từ, đôi cánh chớp nhẹ vài cái trước khi xà vào cây bần ổi….
Lúc này con bổi làm quá, thúc một tiếng bo một dây, thúc hai tiếng bo một dây, cứ thế cuộc chiến kéo dài cả giờ, tôi liếc nhìn sang Chú tôi ngồi cạnh tôi chừng 7m, nơi Chúng tôi ẩn chốn là một đám cây lát và năng rộng khoảng 500 mét vuông, cao ngang lưng quần, trên cây bần thì con bổi luôn chuyền cành quanh lụp, có lúc nó bo sáp gần sát đầu sấu thì lại quay ra, Ba tôi và Chú tôi bây giờ không còn di chuyển bằng chân tay nữa, mà chỉ bò và lê qua lết lại theo điệu nhảy của con bổi, con bổi cứ chuyền một cành thì bo một dây, và cứ thế mà nó chuyền khắp cây…và buổi sáng cũng trôi qua nhanh, Chúng tôi đành hạ sào cho chim mồi nghỉ trưa ăn uống (thời bấy giờ người chơi chưa biết để lúa và nuớc trong lụp cho chim mồi).
Buổi chiều nắng quá Chúng tôi bắt đầu dương lụp lúc 3 giờ, nhưng do trời quá nóng con bổi không hăng như buổi sáng, nhưng cuộc chiến thì không thua gì buổi sáng, nhưng con bổi rất khôn lụp vẫn chưa chịu nhảy vào đá…Bốn giờ hơn Chúng tôi hạ sào thu dọn chiến trường, ngồi bàn biện pháp cho cuộc chiến ngày hôm sau, khoảng 10 phút sau kế hoạch đã thống nhất, tôi thấy Chú tôi lại trèo lên cây, cầm theo cây cưa tay loại cưa mini, lên đến nơi Chú tôi cưa hạ hầu hết những nhánh nghiêng về phía sau lưng lụp và hai bên hông lụp, nhằm hạn chế việc con bổi chuyền cành không hợp lý, tôi để ý lúc ấy Chú tôi vừa cưa cây mà miệng cứ lầm bầm điều gì ấy không rõ lắm?.
Sáng hôm sau Chúng tôi lại tiếp tục khăn gói lên đường, dương lục khi trời còn chưa sáng hẳn, cũng như ngày hôm trước khi mồi cất tiếng gáy con bổi đập cánh dội vòng quanh cây và đáp vào cội, con bổi hơi ngơ ngác vì hôm nay cây được dọn trống hầu như chỉ còn mỗi kèo thế và cái ngọn cây, con bổi vẫn cái miệng kèm dây liên tiếp, bo chạy vào đụng đầu sấu rồi lại chạy ra, Chúng tôi căn thẳng, hồi họp, nín thở chờ đợi,….
Hôm nay Chúng tôi phải chặt cây làm tum (chòi lá cây) để vào chốn mà xem, vì hôm qua Ba tôi và Chú tôi đã quần nát hết cả đám năng, lát kia rồi. Bỗng con bổi mái ở đâu bay về, có lẽ anh chàng bổi quá ghen tức hay sao, nhảy bổ đến con mái bo ào ào, con mái chuyền vài cành và sau đó bay đi mất biệt. Lúc này cũng gần 9 giờ sáng, mặt trời cũng bắt đầu chói chang, con mồi chiến đấu gần 3 giờ đồng hồ cũng thấm mệt, không bo nhiều nữa mà chuyển sang nhịp bướm (cấm đầu thúc đồng thời đôi cánh nhịp nhịp) có lẽ con bổi nóng lên vì cho rằng con mồi đang có hành vi dụ dổ con mái của mình thì phải! (vì chim rừng hay nhịp bướm khi con trống và con mái cùng giậm ổ) nó cấm đầu bo từ ngoài chạy vào đầu sấu bổng dừng lại, con mồi bổng từ tư thế rên rỉ chuyển sang vừa bo vừa dở cánh đánh vào lồng, điên tiết con bổi ngưng bo ngay, lông lưng sựng lên, cổ rút vào, ức phình to và nhảy vào cầu sập bẩy…
Ba tôi hạ sào mà hai tay rung lập cập, Chú tôi thì một tay giữ lấy con bổi, một tay mở túi đựng bổi và cho bổi vào túi, cuộc chiến kết thúc. Ngồi nghỉ mệt trên bờ đìa tôi gặn hỏi Chú tôi “lúc Chú dọn những nhánh xung quanh lụp Chú nói thì thầm nho nhỏ cái gì như ếm bùa vậy”? Chú tôi bảo “Tao vái Ông thổ Địa ở đây nếu bắt được con kèm dây này tao sẽ cúng một con vịt đó”. Thế là sáng hôm sau Chú tôi cùng Ba tôi lại lên đường mang theo con vịt luộc, thẻ nhang và cả bình trà đến tạ ơn Ông thổ Địa. Từ đó con bổi kèm dây ấy có tên là con cu vịt.