Những vạt lúa rẫy của đồng bào dân
tộc miền tây Phú Yên chín vàng rực.
Ông Phạm Thảo quẩy cây sào tre
móc chiếc lồng chim lên vai. Mùa
bẫy chim cu gáy đã bắt đầu...Man
mác cánh gió nồm thổi qua vạt rừng
thưa dìu dặt tiếng chim. Đều bước
trên con đường mòn ngoằn ngoèo
dẫn sâu vào rừng trập trùng sương
sớm, ông Phạm Thảo không ngoảnh
đầu lại, giọng hồ hởi: "Mùa sương
gió nồm. Mùa này bẫy cu gáy là
"ngon" nhứt đây". Cái sướng của thú
chơi Chẳng biết tự bao giờ, người
miền Trung có cái thú chơi chim cu
gáy. Mảnh đất nghèo mọi thứ, chỉ có
chim chóc trên những cánh rừng xa
là sẵn. Sau những giờ luồn núi phát
rừng làm rẫy, cắm mặt xuống triền
dốc trỉa hạt..., vài tiếng chim gù
trên cành cây ven suối cũng đủ làm
vơi bớt nỗi mệt nhọc.
Đó là những lúc vào mùa, dân chơi
chim đi làm nương quẩy theo chiếc
lồng máng vô chạc cây bên bìa rẫy,
chim tự do gù "đã đời" cho hết buổi
làm. Đến khi nông nhàn, mới là lúc
để chơi chim thực sự. Những anh
dân chơi nông dân rời nhà, ngốn hết
hàng chục cây số phóng xe (có khi là
xe đạp) đến lội bộ, miên man theo
những tiếng chim gù.
"Đi bẫy cu gáy xa thường phải bốn,
năm "ông" đi chung mới vui. Ông
này bẫy được mà ông kia chưa có
con nào thì phải ráng kiếm. Vậy là
cứ cạnh tranh đến lúc ông nào cũng
đầy lồng hồi nào không hay", ông
Thảo tâm sự. Bốn, năm ông cùng vào
một khu rừng nên phải dỏng tai lên
nghe tiếng chim gù rồi nhanh chân
kiếm chỗ móc lồng chim mồi của
mình trước, nếu không phải đi xa
hơn nữa. Tiết tháng nồm miền Trung
gió mát nhưng nắng rất gắt, tìm cho
được chỗ để móc cái lồng, bở hơi tai
Đã vậy, không phải cứ treo đại khái
chiếc lồng vào đâu cũng được. Phải
lựa thế nhánh cây để đón hướng
chim vào sẽ chắc cú "dính" nhất.
Nhánh cây mà chim bên ngoài sẽ
đậu phải nằm đối diện hoặc bên
hông mặt sân bẫy, nhưng tốt nhất là
chính nhánh cây móc lồng phải có
thế thuận lợi cho chim đứng nhảy
vào.
Những tay chơi nông dân lúc này
phải tìm bụi rậm giấu tấm thân
dềnh dàng vào, để nghe tiếng đập
thình thịch trong lồng ngực mình
khi có chú chim bên ngoài hung
hăng chập chờn bay về chuẩn bị
"chiến đấu" với chim mồi.
Cái sướng nhất của thú chơi chim cu
gáy là ở đây. Hồi hộp chờ đợi nghe
chim mồi gù khích tướng chim rừng
bay về. Hết nhìn chú chim nhà gục
gặc cái đầu gù "cục... cồ... ồ... cộ...
ộ...", lại nhìn chim rừng sừng sộ gù
đáp trả rồi chực bay vào. Gáy gióng,
gáy thúc, gáy rúc, đến khi chú chim
rừng hăng máu sập bẫy thì cái sự
sung sướng của kẻ đi săn kết thúc!
Ngay cái giai đoạn thưởng thức chỉ
diễn ra dăm ba phút này, lỡ có
"thằng cha" nào vô tình đi qua làm
chim bay mất, rất dễ làm tay chơi
chim nổi nóng. Không nóng vì mất
một chú chim mà nóng vì chưng
hửng, mất hứng khi màn trình diễn
sống động bị cắt ngang. Ông Thảo
kể: "Có lần tôi đi tàu lửa ra tận
huyện Vân Canh (Bình Định) bẫy
chim, đang ngồi trong bụi rậm thì
một anh dân tộc đi ngang qua, tôi
phất tay ra hiệu anh ta vẫn không
chịu tránh xa. Đến khi chim bay mất
thì anh ta mới tỉnh rụi "ai biết chỗ
mấy ông làm ăn đâu". Tức không
chịu được".
Chim cũng như người
Ông nông dân chính hiệu, chẳng ngờ
lại nói về những chú chim cu gáy
say sưa và trìu mến như miêu tả
những... cô gái đẹp. Chim cu gáy
phải có dáng đẹp, thân dài, khéo,
gọn. Đầu phải nhỏ, mỏ thẳng đúng
theo câu lưu truyền trong giới "đầu
nhỏ mỏ ngay, có chết nó cũng hay".
Vòng lông cườm quanh cổ phải cao,
thẳng, dày. Lông cánh dặm phải khô,
mịn. Chân phải gọn, đóng vảy, đặc
biệt tránh xa chim có chân giống con
tôm...
"Cũng như con người vậy thôi. Nói
thấy thích một cô nào đó thì có
nghĩa là có thích một vài thứ của cô
ấy, mái tóc, dáng người, nước da...
Tuy mỗi người một ý, nhưng chim
mình khéo, dáng đẹp thì nói chung
ai cũng muốn giữ lại nuôi làm chim
bổi, còn chim đầu to tổ bố, mình
ngắn cụt lủn thì chỉ có nước... làm
thịt ăn".
Xong vẻ bề ngoài, đến tiếng gáy.
Nhắm mắt lại, chỉ cần nghe qua
tiếng gáy, dân chơi cũng biết chim
hay, dở. Có nhiều loại giọng như
giọng đồng, giọng thổ, giọng cấn.
Trong giọng thổ lại chia ra nhiều
kiểu như thổ đất, thổ lùm, thổ rỗng.
Giọng thổ là giọng được ưa chuộng
nhất của chim cu gáy, bởi cái giọng
ấy ác liệt lắm, cất lên là có kẻ tìm
đến kịch chiến. Chim giọng đồng
cũng hay, kêu thánh thót, ồn ào như
gõ thùng rất sốt ruột, khiêu khích
chim rừng rất nhanh nhưng có
nhược điểm là hay đá lồng.
"Cũng vẫn như tiếng nói con người
vậy thôi. Có người nói dễ nghe, xin
gì người ta cũng muốn cho. Nhưng
có kẻ vừa nghe lên tiếng là đã
muốn... đánh".
Chim cu gáy bẫy về được cả tiếng
lẫn dáng rồi thì cứ thế vào lồng
riêng, cho ăn gạo lức, lúa gạo đỏ
xay, hạt mằn ri, kể cả sạn, đất, luyện
tập chờ ngày theo chủ đi chinh phạt
những cánh rừng, lại dụ chim khác
về. Có con chỉ vài ba tháng đã điêu
luyện nhưng cũng có con lì lợm đến
cả năm mới chịu "làm việc". Cũng có
chú móc ở cây chanh, cây ổi trong
vườn nhà thì gáy rộn trời đất, nhưng
đem vào rừng lại nín thinh chẳng
thèm gù một tiếng. Bao nhiêu gạo
lức, lúa đỏ, hột mằn ri của ông chủ
nóng tính thế là đi thẳng ra ngoài
quán đặc sản.
Giữ lại chút thanh âm
Bây giờ miền quê nghèo đã mọc lên
nhiều quán đặc sản. Chẳng biết có
phải vì thế không mà chim cu gáy
ngày càng thưa dần cánh bay và
tiếng gáy sau những vạt rừng huyện
Đồng Xuân, Phú Yên quê hương ông
Thảo. Bây giờ muốn bẫy được nhiều
chim, ông đã phải đi xa hơn, lặn lội
đến tận Phú Túc (Daklak), thượng
nguồn sông Ba. Còn quanh quẩn
trong huyện nhà, xưa mỗi chuyến 9 -
10 con, nay 9 - 10 chuyến mới được
vài con.
Chút an ủi là sau ông Thảo - kẻ chơi
chim cu gáy từ thuở vác cây sào để
móc lồng chim lên cao còn chới với,
đã có thêm rất nhiều người nối tiếp
thú chơi này. Cả huyện dễ có đến
hàng trăm lồng. Các chú chim ngày
trước còn được trao đổi không phí
qua lại giữa các tay chơi cùng hội,
nay được định giá sòng phẳng từ vài
trăm đến vài triệu đồng một chú.
Như thế là cu gáy lên đời rồi. Nhưng
ông Thảo lại thấy buồn. Người ta
chơi ào ạt quá, chơi như để làm
giàu, làm sang chứ không phải vì
tiếng gáy, màu lông cườm mộc mạc
của giống chim nhà quê này. Song
bỏ thì ông không chịu được. Dẫu sao
thì nó cũng đã gắn với cả một thời
tuổi thơ đến thời trai trẻ và cả thì
hiện tại của ông. Thi thoảng dắt
đàn bò vào núi, ông lại quẩy lồng
chim theo, không bẫy được thì cũng
nghe nó gáy đỡ buồn. Miễn là giữ
lại được thanh âm của những mùa
bẫy chim cu gáy đã đi qua đời ông.
Người viết bài này được ông tặng
một chú, vất vả đưa về Sài Gòn nuôi.
Không hợp thổ nhưỡng, khí trời lắm
bụi nhiều khói, ồn ào quá đỗi, hay vì
sự vô tâm của con người, chú ta lăn
ra chết. Người viết ngẩn ngơ. Hình
như chút thơ ấu dại khờ trong ta
vừa trở lại đâu đây rồi vụt mất vĩnh
viễn, cũng bởi chính bằng những
thứ đã làm chú chim cu gáy tội
nghiệp kia lìa đời.
Nguồn : sưu tầm