Phỏng vấn khách mời Offline lần 2 của Diễn đàn cugay.orgSau ngày hội offline lần 2 của cugay.org tại Hà Nội, trời vẫn tầm tã mưa rơi, bác Mai Xuân Mấm, chủ tịch Câu lạc bộ cu gáy Hà Nội, khách mời danh dự của buổi off, có gọi điện cho minhtri kể rằng bác chuẩn bị đi chơi với các anh em trong hội, và kêu lúc nào rỗi thì minhtri đến nhà bác chơi. Sau phút ngỡ ngàng, minhtri bật cười nghĩ có lẽ bác cảm thấy lạ lùng khi thấy có sự xuất hiện của mấy cô “mái tơ”, “mái già” trong hội nên muốn tìm hiểu nguồn cơn. Nghĩ vậy nên minhtri vui vẻ nhận lời.
[img]http://i4.upanh.com/2013/0920/02//57544915.anhbacmam0.jpg[/img]Một tuần sau, trên đường đi làm về, “mái già” tranh thủ lúc rảnh rỗi rẽ vào thăm bác. Đúng như dự đoán, bác Mấm nhiệt tình xởi lởi vừa bế cháu nội, vừa dẫn khách vào. Đón chào từ cổng là mấy lụp cu gáy bác Mấm treo cao tít trên góc cột nhà. Ngoài ra phía đối diện trước cửa bác có làm thanh ngang inox để treo một giàn cu gáy. Thấy khách thích thú chụp ảnh cu gáy liên tục, bác Mấm phấn khởi kêu minhtri phóng thẳng lên sân thượng tầng 4 và chỉ nốt những em còn lại. Trên sân thượng ngoài một em két ra còn treo mấy em bổi, mồi và một dãy lồng bỏ không, có lẽ bác giữ lại làm kỉ niệm về thời chơi cu gáy của mình.
[img]http://i3.upanh.com/2013/0920/02//57545094.anhbacmam7.jpg[/img]Sau khi các gáy đã ra trình làng ‘mái già’ là đến tiết mục ốp lồng. Bác Mấm lấy sào móc 1 lụp cu mồi vào ốp lần lượt với các lụp treo ở góc mái nhà cho chúng thi nhau gù gáy, rồi bác nhiệt tình giải đáp những câu hỏi ngộ nghĩnh của minhtri.
[img]http://i8.upanh.com/2013/0920/02//57544856.anhbacmam2.jpg[/img]Và sau đây là trích dẫn cuộc trò chuyện thân mật giữa bác chủ tịch câu lạc bộ và “mái già” ham vui:
1- Cháu chào bác Mấm. Bác có thể giới thiệu sơ lược vài nét tiểu sử đánh cu gáy của bác cho anh em cu cò được biết với ạ?Bác sinh năm 1945, quê ở Nga Hương, Nga Sơn, Thanh Hóa. Bố của bác làm nghề bắt chim, chủ yếu là chim ngói và chim gáy. Tháng 8 là mùa đánh chim ngói bằng lưới úp, khi đánh chim ngói thì chim gáy cũng xuống theo. Chim ngói thường đi thành từng đàn tới vài trăm con, còn chim gáy thì thường đi đôi với nhau.
Sau này bác chuyển sang đánh cu gáy bằng lụp. Bộ đội những năm 1963 đã biết mang lụp đi theo cùng. Lúc đầu bác vào Hải Quân, có ông mang 1 con cu gáy dọc đường lên đến Hà Trung thì đánh được 1 con chim, bác thấy vậy rất thích.
Sau bác ra đảo Hòn Mê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa nuôi rất nhiều loại chim. Ví dụ, sáo thì mang từ đất liền ra, còn ở đó đã có sân chim gáy.
Đến ngày 20-1-1967: máy bay đánh vào đảo, bác bị thương, được đưa vào đất liền đi điều trị. Đến năm 1968, anh em thương binh bộ đội được tuyển lại làm hậu cần.
Năm 1968, bác được điều về Cục Quân Nhu, Tổng Cục Kỹ thuật, làm trưởng ban điều tra hình sự ở đây.
Trong thời gian đó, có lúc xuống được đơn vị trong rừng núi là nơi thường có nhiều chim, anh em trong đơn vị mang lồng đi bẫy.
[img]http://i0.upanh.com/2013/0920/02//57544857.anhbacmam3.jpg[/img]2- Trong quãng đời chơi cu gáy, bác có những kỉ niệm vui nào có thể chia sẻ cho anh em cu cò được biết không ạ?Bác có nhiều kỉ niệm vui lắm. Kỉ niệm đầu tiên là hồi xưa bác vào Sài Gòn thì gặp một Việt kiều từ Thái Lan về, thấy bộ đội lại là cán bộ hình sự nên mời ra Bình Phước chơi. Ở đây ông già bẫy mấy ngày trời mới được một con chim, là một con chim già, ông quý lắm, bác hỏi mua nhưng ông không bán, nhưng sau ông lại tặng bác con chim đó, bác vui lắm.
Kỷ niệm thứ hai là có lần bác vào Đô Lương, Nghệ An mua một con cu gáy với giá chỉ có 10 nghìn/con, mang về đơn vị bỏ vào lồng. Anh em thấy hay vào xem, không may làm con cu gáy bay mất, lúc đó bác buồn lắm. Thấy con cu đang đậu trên cây bạch đàn, anh em liền nảy ra sáng kiến là dùng xe cứu hỏa xịt vòi nước cực mạnh lên cây làm con cu quay tít rồi rơi xuống đất, thế là mọi người xông vào tóm được con cu. Sau đó bác mang về Hà Nội để nuôi.
3- Thế số phận 2 con cu gáy này bây giờ ra sao rồi ạ? Bác có còn nuôi 2 em nó nữa không ạ?Con cu gáy bị bắt lại bằng vòi xịt nước cứu hỏa thì một thời gian sau bị trộm vào khoắng mất cùng với cả một số quần áo lông của Đức. Còn con được tặng ở Bình Phước thì nuôi mãi 4-5 năm không thấy nổi, giọng kim, đến khi nổi thì bác để lại cho anh em vì bác cũng có nhiều anh em chơi cu gáy.
[img]http://i1.upanh.com/2013/0920/02//57544858.anhbacmam4.jpg[/img]4- Bác có thể kể tên một số anh em cu thủ nhiệt tình mà bác quen biết không ạ?Ông Doãn ở Khâm Thiên-Hà Nội: Hồi chiến tranh ông ấy đã 70 tuổi. Sau đợt chiến tranh phá hoại, nghe tin có con chim mồi nổi rất hay bán với giá 60đ, ông đã vào tận Thanh Hóa để mua con gáy đó.
Ông Thành ở Vọng Đức: rất nhiệt tình, đã thích con gáy nào là đến chờ từ 4h30 sáng ở đầu ngõ nhà bác để mua cu.
[img]http://i2.upanh.com/2013/0920/02//57544859.anhbacmam5.jpg[/img]5- Bác phân biệt các giọng cu gáy bằng cách nào ?Qua giao lưu học hỏi với anh em thì bác biết cách phân biệt giọng cu gáy. Ngày xưa các cụ hay chơi gáy bổ 5, bổ 6, tức là có hậu nhưng bây giờ người ta không thích loại đó nữa vì gáy dài như vậy thường sẽ ra ít bài bản.
6- Thế hiện tại các bác hay đi bẫy cu gáy ở đâu ạ?Bác hay đi cùng anh em, có một cậu hay đưa đi bằng ôtô đến bẫy ở Mai Dịch hay Xuân Đỉnh.
7- Hiện nay các tiêu chí để chấm điểm cho một con cu gáy bài bản là gì ạ?Có cả một bảng tiêu chí đã được in ra, cháu xem đây này. Có các tiêu chí gáy gọi, gù đơn, gù chồng đấu, gáy dặt (dặt, gù xen, vấp, dặm), lèo, chu vv. Lát nữa bác sẽ giải thích cụ thể cho cháu.
8- Cháu cảm ơn bác ạ. Bác cho cháu hỏi là trong tương lai làm thế nào để các cuộc thi cu gáy diễn ra ngày càng nhiều và trở nên quen thuộc với mọi người hơn?Thực ra vấn đề này cũng đòi hỏi nhiều thời gian vì nuôi được một con cu gáy bài bản rất công phu, do đó chơi cu gáy không thể mang tính thương mại được. Một cuộc thi cu gáy không thể một lúc có tới 700 hay 800 con tham gia như cuộc thi chào mào được vì chim chào mào có tiêu chí chấm đơn giản hơn nên một giám khảo có thể quan sát được nhiều con, trong khi đó trong hội thi cu gáy thì một giám khảo cùng lắm chỉ chấm được vài con.
[img]http://i5.upanh.com/2013/0920/02//57544916.anhbacmam6.jpg[/img] Bác Mấm bên cháu nội và lồng quả đào
Cháu cảm ơn bác về những thông tin quý báu này ạ. Chúc bác luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục niềm đam mê cu gáy và truyền cảm hứng cho các thế hệ anh em cu thủ sau này. Sắp tới nếu có điều kiện, cháu và anh em cu thủ sẽ đến chơi với bác. (Bài phỏng vấn đã được bác cugay_hn duyệt
và được sự đồng ý của bác Mấm)