Cũng túm được một con ưng cái íSau cái hôm tôi với ông anh bạn đánh xổng chim, tôi ở nhà 1 ngày cho mồi nghỉ ngơi, sẵn xem chỉnh sửa lại lụp lá, lưới lung, sào sủng …
Hôm sau rủ anh ấy đi, thì do chưa sửa lụp xong nên anh không đi. Tôi đi một mình. Chủ bụng đi vào đánh lại con chim xảy, vì con chim này không bị hoảng, do tôi ra đuổi nó đi thôi, chứ khi xảy ra nó vẫn còn ở lại cây đấu căng lắm.
Tôi chỉ đem theo 1 con mồi Thổ. Tôi muốn cho con mồi này cọ xát thêm cho khôn chim lên tí, chứ cách nó đấu với bổi còn rzốt lắm … Trên đường đi thấy một cái khe đèm đẹp, thôi thì tạt đại vào đây làm kèo khởi động xem sao.
Tôi máng mồi lên, một lúc sau mồi mới kêu. Kêu được vài tiếng thì phía bên kia đồi có chim trả lời. Ui mom ơi - giọng con bổi sang quá thể …! Không theo con này thì theo con nào ??!
Tôi cứ để cho 2 con chiêu đấu xa xem thế nào cái đã. Khoan vội manh động. Càng nghe càng tê tái. Con bổi này giọng khá sang trọng, dặm, kèm đều đều. Chắc khó mà nó dám mò sang đây, vì bên này gần đường đi mà nó lại ở xa quá. Hy vọng là nó trụ ở bên đồi đó, sang đó nó sẽ đấu, nhưng ở bãi này gần thế thì dễ gì nó còn zin ?! Không biết mềnh có bao nhiu cơ hội ?! … Tôi đang mải nghĩ ngợi linh tinh, ngó nghiêng sang bên kia đồi để chọn cội đánh thì thấy có cậu làm vườn vác cuốc đi lên. Hắn cười toe, nói chuyện giọng Quảng rẹc ri.
- Hi hi, ông anh cũng kết con nớ hỉ? Con nớ hay ghê gứm đó ông anh …
- Vậy hả, có ai vọc nó không?
- Mà khó bắt lắm … Có cái ông ngoài Cầu Đất đeo nó từ Tết tới chừ rồi …
- Có thấy nó về đấu với mồi không?
- Thì cũng có. Ổng hay treo mồi bên kia kìa …
Hắn chỉ tay đúng vào mỏm đồi mà tôi đoán là con chim trụ ở đó. Hic, hắn củng cố cho cái sự nản của mình.
Thôi kệ. Tôi cứ để 2 con chim kêu tự do, tiếp tục xăm soi chọn kèo đánh. Cuối cùng thì cũng chọn được một kèo – là cây dẻ tương đối độc lập, đứng thoáng ở lưng chừng đồi, cách chòm thông nó ở chừng 50m.
Tôi tháo lụp, thè thẹ mò lên kèo, cố gắng không gây chú ý nhiều cho con chim bổi. Lên đến kèo vẫn nghe con bổi gáy trên mỏm thông non. OK!
Tôi núp ở gốc cây chọn thế đánh. Chọn cành thế to bằng bắp chân, hơi thấp hơn cầu tử, cách cầu từ chừng 20cm lại có thế dấu lưng lụp. Quá đẹp!
Máng mồi lên, không quên kiểm tra kỹ càng chốt, lưới, lò xo, châm thêm cho con mồi ít nước … rồi thè thẹ tụt xuống khe ngồi rình, ngồi tránh bãi cát gần khe nước để ngộ nhỡ con bổi nó xuống uống nước lại bắt quả tang có thèng đang rình nó …
Mồi kêu vài tiếng thì bổi đập ngay về cây. Con bổi này có nước đấu chậm nhưng dai dẳng, ít chịu di chuyển, vào sáp lá cà rồi mà nó vẫn dặm kèm đều đều. Đặc biệt là cái nước gù của nó. Mỗi lần nó buông dây gù nghe dài đằng đẵng … Có nhiều khi để ý thấy mồi gù hết một hơi, loay hoay dặm kèm, làm thêm hơi nữa, hết hơi lại dặm dặm xoay xoay, lại dập tiếp hơi nữa … ngoài cây, con bổi chưa đổ hết một hơi gù. Con bổi này gù không nhanh nhưng dai nhách. Để ý một lúc thì thấy mỗi khi đổ gù, lúc gần kết thúc dây gù thì nó nhấn 4-5 tiếng cuối, rồi kết thúc, chuyển sang dặm, kèm, di chuyển, đổ gù … rồi thì xuống đất, lên cây, dặm, kèm, gù … Lúc khoan, lúc nhặt, cứ thế hơn 1 tiếng đồng hồ …
Tôi ngồi thin thít, bắt đầu lo lắng linh tinh, lo cái lưới, cái lò xo, lo con mồi nó nín … lo linh tinh … Lén nhìn lên cây để tìm cách đổi thế. Do cái thế quá đẹp mà con bổi nó không nhảy. Trận này con mồi biết nhấn biết nhả đúng lúc, nhưng con bổi lại quá đằm – không chịu nhảy. Do khi vào thế, con bổi nó nhìn rõ hết cái sân, cái mặt quy, nhìn rõ mồm một con chim mồi trong đó, thế quá vững lại quá gần lụp nên nó đâu cần phải nhảy đến cầu tử làm gì - cứ đứng tại thế chửi cho nó đã …
Tôi đã chọn được một thế khác. Chỉ còn chờ cho con mồi bỏ đi uống nước là lao lên sửa thế ngay. 2 con chim đấu mãi rồi con bổi cũng phải đi. Chỉ chờ có thế, tôi khẩn trương mò lên kèo, vẫn giữ cành thế cũ nhưng treo cái lụp khuất ra phía sau thân cây dẻ, cái sân với cầu tử đưa ra hướng nhánh thế.
Mồi kêu một lúc sau bổi lại về. Nó vào luôn thế, lại kèm lại gù. Nhưng lần này nó gù ít hơn, di chuyển nhiều hơn. Khoảng nửa tiếng sau, nó vào thế đứng đổ gù. Bên kia thân cây, con mồi gù nhát gừng – gù 2 3 tiếng lại nín, rồi 3 4 tiếng lại nín, lại 2 3 tiếng lại nín. Con bổi bên này thân cây đổ hết dây gù, nó xích gần vào thân cây rồi nhảy vào cầu tử. Pạch!
Tôi run rẩy mò ra chỗ núp, lập cập leo lên kèo, gỡ lụp xuống, chụp vội được tấm hình rồi nhổ luôn mấy cọng lông cánh của con bổi.
Cầm con bổi trên tay, thầm cảm ơn cụ tổ cu. Nghĩ đợt này hưởng lộc rừng như thế là đủ, tôi về sớm dọn chỗ nhốt con chim. Lâu lắm rồi, kể từ khi bắt lại được con Thổ Núi Voi. Nay mới lại có được cảm giác như hồi ấy.
Con bổi khi thất thủ
Soạn ngay một cái lồng cho em nó ở
Chân dung em nó sau 5 ngày bị bắt
Thời gian nghỉ phép đánh cu đã chấm dứt. Bây giờ có ghiền thì cũng ráng tranh thủ phọt phẹt đeo hóng chim rừng.
Vui là chính, chúc mọi người vui vẻ./.