Xin chia sẻ với cả nhà một số chuyến đi gác Cu thú vị của tôi và anh em chơi Cu ở Đà Lạt.
Con Thổ ở núi Voi - Đức Trọng.
Hôm 4/3, cơ quan tổ chức đi dã ngoại – thăm khu căn cứ 840 – núi Voi, Đức Trọng. Vùng này nhiều Cu gáy, lại nghe đồn đại có con Thổ sấm hay lắm, nó lại ở ngay rẫy của nhà anh bạn cùng cơ quan. Thế là tôi không thể không đem theo chim mồi đi. Hôm ấy tôi đem theo con Đồng Kim và con Thổ Rền (Thổ Rền chơi chưa ổn định nhưng tôi cố cho đi để so giọng với con Sấm coi sao).
7h sáng đến nơi tập trung, thấy tôi “tay cu tay gậy” luộm thuộm, anh bạn cười hô hố: “Òh, vô đó ngồi canh đi ông, nhiều người canh nó lắm rồi đó, vô canh đi rồi về mà thèm, he he …”. Con chim này trước đây ở bên khe rậm cách đó một con dông, nhưng năm ngoái cơ quan tôi đi cắm trại ở đây, tôi bắt 2 con đồng già ở khe này. Nên từ đó nó chuyển về đây và bị săn đuổi từ một năm nay. Thực tình mà nói thì hôm đó tôi chẳng hy vọng gì bắt được nó đâu, bao nhiêu người me nó rồi … Mình thì me em nào mê luôn em đó, rồi thì về đau khổ, tương tư trăn trở, thèm muốn xa xôi chứ hồi giờ có bắt được đâu, nào là em Rền nghĩa trang Cam Ly, em Bầu cà lăm ở Cà Rèn, em Rền ở Đa Sa … mỗi em là một niềm đau chôn dấu …
Vào đến bãi, tôi chọn cội đánh ngay giữa lưng dông, 7h30 treo chim xong, chọn con Đồng Kim làm tướng tiền, Thổ Rền làm lính đánh chặn. Chim mồi làm chừng 10 phút thì chim rừng bắt đầu thả bộng diều … tẹt tẹt tẹt tẹt … tẹt tẹt tẹt tẹt … tẹt tẹt tẹt tẹt … Ok, vậy là quanh đây có 3 cội – coi giọng ra sao đã. Khoảng 10 phút sau, chim rừng bắt đầu đấu lại. 1 con Thổ rặc ở dưới khe rậm, 1 con Thổ rền ở tuốt trên đầu dông – giáp rừng già, con Đồng ngay lùm thông giữa đồi bên cạnh. “Ah ha, vậy chắc con “Sấm” mà giang hồ đồn đãi là con Rền trên đầu giông, giọng nghe nặng trịch xem ra cũng sêm sêm với giọng con Rền của mình, tiến lên đầu giông thôi …” đang suy suy tính tính, ngó nghía đường lên giông thì bỗng … tẹt tẹt tẹt … một con chim đen thui bay đáp thẳng vào cội của con Đồng Kim, phùng cổ, sượng lông lưng, nó loay hoay vài vòng ngó con mồi một tí rồi tẹt tẹt tẹt … bay thẳng lên cội của con mồi Thổ, không thèm nói năng lời nào với con Đồng Kim.
… CỒ CỒ CÔÔỒ … CỒ CỒ CÔÔỒ … … CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …
Tời .. tời … tời lất ơi …, đây mới là “nó”, cái giọng kinh khủng này … tôi chưa từng được nghe bao giờ … con Thổ Rền của tôi hình như bị choáng, nó ráng gù thêm một đạc sượng sùng. Lập tức, chủ nhà dập lại … CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …
… Mồi Thổ Rền … yêu trong lặng câm …
Tôi nhớ lại có người đã nói với tôi: “Nầy, người ta hay dùng chim có giọng pha làm chim mồi, chớ ít khi dùng chim có giọng rặc để làm chim mồi, em có biết vì sao không? – Là vì, chim mồi có giọng rặc nào đó sẽ không bắt được chim bổi cùng giọng với nó. Như Thổ bầu đụng Thổ bầu thì giọng con nào yếu hơn sẽ tịt … Bổi tịt thì bổi sẽ bỏ đi, không đấu nữa, mà mồi tịt thì bổi cũng bỏ đi luôn, không thèm đấu, vậy nên chim cùng giọng thì sẽ không bắt nhau được …”. Hôm nay tôi đã được trải nghiệm thực tế cho câu nói trên.
Con chim bổi giải quyết con Thổ Rền xong, nó cắm thẳng xuống cội của con Đồng Kim, bắt đầu một cuộc tử chiến.
***************
Từ khi con chim rừng đáp vào cội, rồi không nói không rằng bỏ đi, con Đồng Kim ra bài “Ôi thôi rồi”. Cái bài này, anh em nào đã đi với nó thì biết. Nó chiêu như thúc, thúc như gù, gù lại như … chiêu … tá lả loạn xì ngàu không biết ra là thế nào … nói chung là … “ôi thôi rồi” …
Khi con bổi về tàn trở lại, con mồi chuyển từ chiêu “ôi thôi rồi” sang chiêu “ôi thôi luôn” … Con bổi thì cứ thong thả chuyền cành, nện ra từng tiếng nặng trình trịch, con mồi thì quắn quíu thía lia. Một ông chơi shortgun, một ông sài đại bác …
Cứ như vậy, sau khoảng một tiếng rưỡi, con bổi bắt đầu nhảy lụp … Cái cành thế cùi chỏ đẹp thế kia nó không nhảy, mà cứ nhè lưng lụp nhảy vào, bâu nan ngang, giang cánh ôm lấy lưng lụp, xăm mỏ vào … xong lại lên cành đứng nã đại bác … Con mồi thì lia shortgun lên, múc lại.
Cứ sau mỗi lần con chim rừng nhảy lụp như vậy thì tiếng shorgun thưa dần … thưa dần, đến lần thứ 4-5 gì đó thì mồi tắt hẳn …
“Thôi toi rồi, chắc pà mồi tiêu rồi, bổi bu kiểu đó mồi chắc đứt bóng chứ còn gì. Cu cò gì mà đá như Chào Mào là sao ?!! …” Giờ tôi mới chợt nhớ ra là mình luôn đeo cái ống nhòm trước ngực – ngó coi con mồi bị sao rồi …
Áh ha, thì ra con mồi nó giở chiêu độc. Khi con chim rừng bỏ ra cành, nó chẳng nói chẳng rằng chi cả, cứ rướn thẳng người, căng hết cườm ra, gập mỏ xuống cổ, sượng hết lông lưng lên, rồi cứ để nguyên hiện trạng như vậy, nó đi tới đi lui trên cầu, mặc cho đại bác huỳnh huỳnh bên tai … Khi chim rừng bu lồng, nó chạy lại, một chân trên cầu, một chân trên cóong lúa, xăm ra múc lại chim ngoài. Chim rừng bung ra cành, chim mồi lại giữ nguyên hiện trạng, đi tới đi lui. Thi thoảng nó sa cầu thúc vài tiếng rồi lại “giữ nguyên hiện trạng, đi tới đi lui” …
Một đứa thì bu vào bung ra, một đứa thì đi lui đi tới … Hai con cu cứ “nhảy lụp” giao lưu kiểu đó khoảng nửa tiếng.
Rồi thì việc gì đến ắt cũng phải đến. Con bổi chuyền ra trước mặt lụp, ngắm con mồi một khắc, rồi cắm đầu xuống gù. Con mồi bung ra một tràng cà lăm. Con bổi nhảy xuống cầu tử - cạch, mái lưới sụp xuống, nhẹ nhàng phủ lấy lưng con chim rừng.
Con chim rừng thấy bị vương vướng trên lưng, nó bước tới 1-2 bước rồi … gù tiếp. Con mồi cà lăm bem lại, hai con giáp lá cà – một trong lụp, một trong lưới.
Ôi! Sung sướng vỡ oà, nào thì Rền Cam Ly, Bầu Cà Rèn, Rền Đa Sa, thậm chí cả con mồi Thổ Rền đang đứng tịt mít trên kia … tất cả như chẳng còn ý nghĩa gì hêt, hôm nay tôi bắt được một con chim bổi để đời, nó sẽ là tất cả những gì tôi bắt được …
… Nhưng, bình tĩnh đã nào, lưới sập xuống rồi, nó đang đứng trên cầu tử nhưng chưa bị khoá cánh, phải bình tĩnh chờ cho nó giãy bung cánh ra để bị lưới khoá lại cái đã, nếu không …
Rồi thì con chim bổi cũng lui ra, bị vướng lưới, nó bung nhẹ hai cánh ra.
Tôi líu quíu lượm cây sào chạy lại, té lên té xuống hùi hụi vì chân thì chạy dưới đất, mắt ngó lên cây …
Tôi đứng dưới gốc cây, kéo cây sào lên để đưa lụp xuống. Nhưng, tọt – con chim rừng đâm xuống khe hở giữa gọng lưới với bửng lụp, nó rơi sạt qua mặt tôi rồi bay thẳng lên lùm cây rậm gần giữa dông núi. Con chim bổi xảy ra khỏi lụp mà không bị mất một cọng lông. Tôi sững người làm rơi cây sào xuống đất, đứng chết trân nhìn lên lùm cây nó đáp vào …
Không biết tôi đứng lặng như vậy trong bao lâu. Tôi lượm lại cây sào, đưa con chim mồi xuống, rồi ngồi chài bải ra giữa nắng. Tôi cứ ngồi vậy ngó trân trân vào cái lụp, đầu óc trống rỗng …
Đến khi bình tĩnh trở lại thì tôi thấy con mồi đang vừa lụm đất ăn, vừa rung cánh thúc nhè nhẹ. Tôi thấy vừa tội nghiệp cho nó, vừa tội nghiệp cho tôi. Nhưng thẳng thắn mà nói thì chẳng ai có lỗi ở đây cả, con mồi đã chiến đấu quá tốt, cái lụp này chưa bao giờ bị lỗi kỹ thuật, tôi chưa từng bị xảy một con chim nào kiểu như vậy, con bổi đâm đúng vị trí giữa gọng lưới với vành bửng thì phải được thoát thôi, tôi đã bình tĩnh chờ cho đến khi con bổi bung cánh ra lưới … Nhưng sự thật thì con bổi đã xảy ra, nó đang đứng chiêu trên lùm cây cao trên kia…
… CỒ CÔ CÔ Ồ … CỘỘ …
… CỒ CÔ CÔ Ồ … CỘỘ …
… CỒ CÔ CÔ Ồ … CỘỘ …
Một con chim như vậy. Mồi của tôi đã thu phục được nó. Nhưng nó lại xổng ra từ trong lưới của tôi, ngay trên đầu tôi, ngay trước mắt tôi, nó xẹt ngang quạt gió vào mặt tôi, nó chỉ còn cách tôi một nửa cây sào … vậy mà bây giờ nó đang đứng chiêu buồn trên kia … Tôi không cam tâm, không thể chấp nhận điều này. Nhưng tôi còn biết làm gì được nữa đây?!!
Cảm giác chán nản, tuyệt vọng từ từ chẹn lấy tôi. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là từ bỏ nghiệp gác cu. Thôi thì mấy con chim mồi, đứa thì cho ghép đẻ, đứa vào lồng rộng, …
Biết đâu “hoạ là chỗ dựa của phúc”, biết đâu bỏ gác cu đi, mình sẽ được gì đó hay ho hơn thì sao …
***************
Tôi gọi điện cho ông anh để chia sẻ nỗi thất vọng khủng khiếp của mình, định tháo kèo về trại nhậu nhẹt tới chiều rồi mò lên thử con Rền trên đầu dông coi sao (nếu còn tỉnh táo).
Anh ấy nói với tôi “Vẫn còn hy vọng bắt lại được nó, miễn là chú phải giải quyêt việc đó nội trong ngày hôm nay. Và quan trọng là chú phải kiên trì, đừng nản chí”.
Tôi được an ủi động viên, từ từ trấn tĩnh lại, dẹp bỏ mọi việc đã qua, suy xét lại thì thấy rằng mình đúng là vẫn còn cơ hội tái ngộ với con bổi này. Tôi gọi lại cho anh ấy, trao đổi thế đánh lần thứ hai với con bổi Sấm. Hai anh em thống nhất phương án đánh ép tàn, không cần cành thế nghiệt nữa, chuyến này cho Thổ Rền làm tướng tiền, Đồng Kim đánh chặn.
Trao đổi, quyết định chọn sẵn cội xong, tôi tháo kèo đem 2 con mồi về trại, tham gia với mấy anh em cơ quan đang nhộn nhịp chuẩn bị mồi nhậu, kêu nhau í ới …
***************
Buổi trưa hôm đó, tôi ngồi nhậu, miệng thì nói chuyện phiếm với anh chị em cơ quan, đầu thì cứ tính thế móc lụp. Suy đi xét lại, đắn đo mãi. Bên tai lại cứ nghe tiếng của con chim rừng uỳnh uỳnh, nặng trịch …
Tôi uống vài lon, gắp 1-2 miếng mồi, 1h trưa lại sách 2 con mồi, lượm cây sào băng lên dông.
Tôi lên đến lùm cây nơi con bổi đứng chiêu, lựa thế ép con mồi Thổ thật cẩn thận. “Hôm nay tất cả trông cậy ở mày …”. Tôi lại quyết định không đổi cội của con Đồng Kim, cứ treo cội cũ, cành cũ, nhưng bỏ thế cùi chỏ đi, xoay lồng ngược lại, lấy cành con bổi nhảy bu lưng lụp hồi sáng làm cành thế chính. Xong xuôi đâu đó, tôi lẩn vào bụi chuối, ngồi chờ …
Con mồi Thổ hồi sáng chơi ấm ớ vậy, khi đổi kèo mới, nó cứ loay hoay không chịu lên tiếng, con mồi Đồng Kim thì do trưa nắng quá nên chiêu thúc cũng có phần rời rạc – cũng chẳng còn nghe con chim rừng nào gáy cả - coi như hy vọng không còn nữa …
Tôi đang nghĩ miên man, tính chuyện lên thăm con Rền ở đầu dông thì bỗng nhiên, con mồi Thổ lên tiếng … Nó chiêu vài tiếng, dặm vài hơi. Lập tức, ngay gần đó, cái tiếng gù cồ cộ quen thuộc lại phát lên. Chim rừng đáp ngay thế con Thổ Rền, gù áp đảo. Thổ Rền gù gượng vài đạc rồi … yêu trong lặng câm …
Trong khí đó, ở dưới gần chân dông, con Đồng Kim tiếp tục bài “Ôi thôi rồi” …
Giải quyết con mồi Thổ xong, con chim rừng cắm xuống cây gần chỗ treo con mồi Đồng Kim. Nó vẫn đấu căng như hồi sáng nhưng không nhập tàn, cứ đứng trên cây gần đó nã đại bác xuống đầu Đồng Kim, Đồng Kim lia shortgun lên bem lại. Đặc biệt trưa nay, con Đồng Kim ra toàn giọng gù cà lăm. Ngồi trong bụi chuối gần con Đồng Kim, nghe 2 con chim nã nhau, tôi không thể ngồi im được nhưng lại không dám rục rịch, sợ rục rịch lại sột soạt lá chuối khô …
Tôi ngồi “chịu đựng” như vậy trong khoảng 1 tiếng rưỡi thì con bổi nhập tàn. Nó cắm thẳng xuống cành thế, gù 3 đạc rồi nhảy luôn. Cạch …
Chuyến này nó không gù tiếp mà lui ra ngay, vướng lưới nó lại đi vào. Con mồi lao ra áp sát cái mặt lụp chửa, chụp con bổi gù lấy gù để. Con chim bổi búng lên định nhảy lại lên cành thế thì bị khoá cánh. Không hấp tấp như hồi sáng nữa, tôi để cho nó giãy bị lưới khoá luôn chân rồi mới từ từ bước ra đưa nó xuống đất. Việc đầu tiên là nhổ hết lông cánh của nó đi, sau đó ngắm nó một lúc rồi mới lôi nó ra cho vào túi rút.
“A lô, anh ơi, em bắt nó lại được rồi”./.