Chương trình từ thiện: Ấm áp vùng cao Hà Giang
Giải cu gáy đấu lần thứ nhất mừng SN diễn đàn 5 tuổi thành công tốt đẹp
Phóng sự: Nghệ nhân dân gian Trần Lữ
Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

Tác giảChủ đề: [b]Gáy gọi[/b]  (Đọc 2862 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Hoàng ĐL

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 372
  • Thanks 351
    • Xem hồ sơ cá nhân
[b]Gáy gọi[/b]
« vào lúc: 08/04/2012 08:51:13AM »
GÁY GỌI

    Bài này tôi viết cách nay hơn 2 năm, hồi má vợ tôi mới mất. Nay rảnh lục ra gửi lên đây chia sẻ với ACE một cảm xúc khác liên quan đến những hoài niệm về một vùng quê - không thể thiếu hình ảnh của con chim Cu gáy ...

    1. Sáng Chủ nhật, trời Đà Lạt lạnh, lại có mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh ở ngoài Bắc. Tôi dậy sớm, pha ly cà phê rồi treo con chim ra ngoài hiên ngồi nghe nó gáy. Vợ tôi cũng dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Bữa ăn nhẹ được dọn ra nhưng up lại đó chờ bà nội và lũ trẻ dậy cùng ăn. Hôm nay ngày nghỉ, cứ để lũ nhóc ngủ nướng thoải mái.
    Vợ tôi đến ngồi cạnh tôi, nhìn con chim ngoài hiên, hỏi:
    - Anh, con chim nó gáy giọng gì vậy anh?
    - Ah, bữa nay sao lại quan tâm vụ này nữa! Con đó gáy giọng thổ, nó đang gáy gọi đó.
    - Nó gọi …
    Vợ tôi bỏ lửng câu nói, ngồi nhìn ra ngoài mưa, nghe một lúc rồi khóc …
    Em thường kể với tôi, hồi xưa khi ba em mới mất, lúc đó em còn bé xíu, má gửi em về quê ở với bà ngoại. Quê ngoại ở Quế Sơn – Quảng Nam. Hồi đó em ở với ngoại suốt mùa hè. Em kể rằng em nhớ má, nhớ mấy chị ở Đà Lạt lắm, nhưng không dám khóc, không dám đòi về, khóc đòi về là ngoại la. Quê ngoại hồi đó nghèo lắm, nhà tranh vách đất thưa thớt. Con đường làng nhẵn nhụi, những bụi tre. Cu gáy nhiều lắm, chúng làm tổ tuốt trên đọt tre. Chiều chiều, chúng nằm trong tổ, thò đầu ra gáy.
    Em kể rằng em hay theo ngoại ra ruộng chơi. Dáng ngoại gầy gò, khắc khổ. Ngoại đi ruộng hay gánh một đôi quang không đi, về cũng gánh đôi quang không về, em không hiểu tại sao lại vậy. Ngoại từ từ với đôi quang đi trước, em thì theo sau, la cà lụm cây lụm lá, nhìn ngó mấy bụi tre, nhìn mấy tổ chim cu …
    Em kể, có lần em hỏi bà:
    - Ngoại, con chim gì ở trên đó ngoại?
    - Nó là con cu gáy.
    - Sao nó kêu hoài vậy ngoại?
    - Nó gáy gọi đó con.
    - Ủa mà nó gọi ai vậy ngoại?
    - Ngoại đâu biết đâu, chắc nó gọi chồng nó về ăn cơm. Nó gọi má nó tới đón nó về …
    “Nó gọi má nó tới đón nó về …” Bà thương em, bà biết em nhớ nhà, nhớ má, nhưng em phải ở với bà để má lo cho các chị ổn định đã. Câu nói của bà chạm vào nỗi khát khao cháy bỏng vẫn luôn ấp ủ trong em ngày đó – má tới đón về.
    Em kể, rồi chiều chiều em ra ngồi một mình ngoài hiên, nhìn lên đọt tre, nghe con cu gáy nó gọi. Em lén bà gọi “Má ơi má”, rồi âm thầm khóc, khóc miết …
    2. Trưa thứ Hai, trời vẫn mưa. Ăn cơm xong tôi lên giường nghỉ trưa, chuẩn bị đi làm, không treo chim ra hiên như mọi ngày. Vợ tôi hỏi:
    - Ủa, sao bữa nay anh không treo chim ra ngoài cho nó hót?
    - Òh, mấy con Chào mào thay lông hết rồi, mà mưa lạnh vầy tụi nó không chơi đâu.
    - Mấy con cu đang gáy dưới kho kìa!
    - Bữa nay anh không muốn nghe cu gáy. Mà em thích nghe con nào gáy thì em treo ra đi.
    Vợ tôi xuống kho lấy con thổ ra treo ngoài hiên. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vợ chủ động treo chim ra ngoài để nghe gáy. Con chim được treo ra, nó thúc vài hồi rồi chậm rãi gáy. Vợ tôi lên giường, nằm cạnh tôi, nghe con chim nó gáy gọi, rồi lại khóc …
    Bà ngoại mất lâu rồi, bà vào Đà Lạt chơi với con, với cháu một thời gian. Sau đó bà về quê ở với cậu vài năm thì mất.
    Má vợ tôi mới mất cách nay 20 ngày.
 
   Đà Lạt, tháng 01/2010


Hoàng ĐL

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 372
  • Thanks 351
    • Xem hồ sơ cá nhân
Cu gọi hồn ai
« Trả lời #1 vào lúc: 08/04/2012 08:57:38AM »
Cu gọi hồn ai

Con gáy ấy, nó ở nghĩa trang này hơn ba năm rồi. Nó đã tiễn đưa không biết bao nhiêu chim mồi, làm cho bao nhiêu cu thủ mất ăn mất ngủ vì nó. Đến giờ thì chỉ còn một ông già vẫn đeo đuổi nó thôi, nhưng ông ấy theo không phải để bắt nó, mà là để nghe nó gọi ông, ông đi theo tiếng gọi của nó…
Ông lão kể với tôi, ông đến với thú chơi cu là do cái nợ chứ không phải cái duyên. Trước đây ông là lính ngụy. Thành tích ăn chơi đập phá, thành tích càn quét của ông hoành tráng lắm. Hoành tráng đến nỗi gia đình ông từ ông, họ bỏ xứ đi bặt tăm tích. Ông ở rể, ba vợ của ông là người mê cu gáy. Từ ngày con gái rượu “lấy ngụy”, ông ấy dường như mê cu hơn. Ông đem cu đi rừng bất cứ lúc nào có thể, có khi ông đi biền biệt cả tuần. Con cái khuyên can thì ông cứ buồn buồn nhìn ra rừng mà thở dài … Ngày đó ông lão thấy ba vợ của mình cứ suốt ngày lọ mọ trong rừng thì thấy vô lý lắm, nhưng mà ông kệ, ổng có quan tâm gì đến vợ chồng ông đâu – chỉ cu với lụp thôi.
Rồi vợ ông lão chết – chết trẻ. Nợ đời của ông nó đeo đuổi ông đến là nghiệt ngã. Trong một trận càn, đội ông càn xóm bên kia, đội khác càn bên xóm nhà ông ở, chẳng biết đạn lạc thế nào mà găm vào ngực vợ ông, để lại cho ông đứa con gái mới chưa tròn 6 tháng tuổi. Sau đận đó, ông bán hết tài sản để chạy chọt xin ra lính, ở nhà làm ruộng với ba vợ. Hai người đàn ông ở với một đứa trẻ sơ sinh …
Từ khi mất con gái, ba vợ ông lại càng đi rừng nhiều hơn nữa. Ông cùng với con chim cu cứ lầm lụi lang thang miết. Ông lão hiểu ba vợ của mình. Ông ấy để mất đứa con độc nhất đến hai lần, một lần là con nó lấy ngụy – xem như ông mất con, một lần là ngụy cướp mạng con đi – ông mất con mãi mãi. Ông lão thương ba vợ lắm, nhưng không dám thổ lộ tâm sự, ông bắt đầu để ý mấy con chim cu …
Chẳng bao lâu, ba vợ của ông cũng chết – chết trong rừng, trong khi đang đi bẫy cu. Người ta vô tình nhìn thấy xác của ông già cùng với xác của con chim cu tuốt trong rẫy của dân tộc, rồi họ báo cho ông. Rồi từ đó, cứ đến chiều chiều, ông lại ẵm đứa con gái mới đầy tuổi ngồi ở hiên, nghe bầy cu ở nhà ông nó gáy. Tiếng gáy của nó hòa với tâm trạng của ông – nó cứ da diết, xa xăm vời vợi. Cảm giác mong manh.
Từ khi vợ mất, ông ở vậy nuôi con cho đến tận bây giờ. Kể cũng lạ, khi còn vợ thì ông ăn chơi trác táng chẳng kể đến liêm sỹ, khi vợ mất đi, ông thậm chí còn không hề nghĩ đến việc chung đụng với đàn bà. Bây giờ ông ở với vợ chồng đứa con, với hai thằng cháu ngoại phá như quỷ sứ mà cũng thích chim lắm.
Ông kể với tôi, ông mới biết con cu này khoảng 3 tháng nay thôi. Ông đưa người bạn già đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong khi thầy chùa đang tụng kinh cầu siêu cho bạn thì ông nghe nó gáy, nó đậu ngay trên cây ngo gần đó, tiếng gáy chầm chậm, rền rĩ, xa xăm … tiếng gáy như tiếng gọi hồn … nó làm ông khóc. Ông khóc không hẳn chỉ vì thương bạn, mà còn vì nhớ đến cảnh hồi xưa, chiều chiều ông ẵm đứa con gái bé bỏng, ngồi ngoài hiên nghe con chim cu nó gáy …
Cảm giác mong manh …

Hoàng ĐL

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 372
  • Thanks 351
    • Xem hồ sơ cá nhân
Sinh nhật ba
« Trả lời #2 vào lúc: 08/04/2012 08:59:46AM »
Lại sắp đến ngày 16/8. Cứ đến khoảng thời gian này, trong tôi lại dâng lên một cảm xúc miên man … khó tả.
Hồi còn nhỏ, tôi được ba nuông chiều lắm. Nhà tôi không phải thuộc diện khá giả, nhưng đồ chơi của tôi thì chẳng thiếu gì. Nào là ô tô, diều, vụ (con quay), bi, bóng, súng … thứ nào không mua được thì ba hì hục tự làm cho tôi. Trong nhà lúc nào cũng có một vài con chim, hoặc chuột lang, hoặc sóc, thỏ … để nuôi chơi.
Có lẽ niềm đam mê chim cò của tôi bây giờ được bắt đầu từ hồi đó. Thi thoảng, ba lại đem về cho tôi khi thì con sáo, khi thì con chào mào, khi thì con cu gáy … rồi bày cho cách chăm chúng. Chào mào thì nó ăn chuối, cơm nguội trộn cám heo, phải lấy cơm trộn với cám cho hạt cơm rời ra chim nó mới ăn được, không được cho chim ăn cơm không, mà cũng không được cho ăn cám không; Chim sáo thì nó ăn cơm trộn cám, ăn cào cào, ăn tép nhỏ, nhộng tằm, cá lòng tong …; cu gáy thì nó ăn thóc, bắp của gà, thi thoảng lấy bánh dầu bẻ vụn ra cho nó ăn, con chim cu nó thích món bánh dầu lắm (bánh dầu là bã của các loại đậu, chủ yếu là đậu phộng, người ta ép lấy dầu còn lại bã, sau đó ép thành từng miếng bánh tròn để làm thức ăn gia súc – hồi đó chủ yếu dùng để nuôi heo) ... Tôi cứ theo đó mà làm, nhưng do mải chơi mấy món khác nên chim vẫn bị chết hoài. Hồi đó mỗi khi chim chết, đối với tôi là cả một sự kiện bi thương, nào thì khóc lóc, dỗi cơm bắt đền … Mỗi khi như vậy, tôi lại bị ba mắng cho cái tội tắc trách, nhưng vài hôm sau, ông lại đem con khim khác về cho tôi …
Hồi còn nhỏ, trước khi đi ngủ, tôi hay thắc mắc lung tung, rồi lại rục ra rục rịch không chịu nhắm mắt ngủ ngay nên thường bị dọa “Nhắm mắt lại, ngủ đi, không là có con gì nó thò tay vào, nó lôi ra đó …”. Mỗi khi bị dọa như vậy tôi sợ lắm, im thin thít, rúc vào người ba. Vòng tay ôm lấy lưng của ba. “Ui trời, cái lưng của ba to đùng !” - Cảm giác khoan khoái, ấm áp và an toàn tuyệt đối.
Rồi chúng tôi lớn dần lên, rồi cũng đến lúc không còn vừa với vòng tay ôm ấp của ba nữa. Nhưng không bao giờ chúng tôi không chìm đắm trong tình yêu thương vô bờ bến của ba. Sau này tôi hiểu ra, ba tôi cũng đam mê chim chóc, thú nuôi lắm, nhưng do công việc, do điều kiện sống thời đó nên ông không thể theo đuổi đam mê đó được, ông phải nén lại, giấu nó đi. Ba đem chim, thú về, chỉ vẽ cho tôi chăm chúng, qua đó, thỏa mãn phần nào niềm đam mê của mình. Và rồi như vậy, một cách tự nhiên, ông truyền hết niềm đam mê ấy cho tôi. Ông thường hay nhắc tôi “Xem xem con chim nó còn cái gì ăn không”, “Lo mà học hành, chứ cứ mải chơi với chim là không được đâu nhé!”, “Mê gì thì mê chứ đừng để ảnh hưởng đến công việc nghe con”, “Mày mà mê chim lơ vợ là không được đâu đấy nhá!” … – Ba đồng hành xuyên suốt niềm đam mê chơi chim của tôi.
Khi gần nghỉ hưu, ba quan tâm đến bầy chim của tôi nhiều hơn. Ba thường hay chăm sóc, theo dõi chúng. Tôi đã định bụng khi ba về nghỉ hẳn, tôi sẽ dành chỗ làm một cái chuồng lớn, xếp mấy chậu cây, làm tiểu cảnh … để ba nuôi chim, nuôi thỏ trong đó. Ấy vậy mà mới về nghỉ được hơn tháng, ba lâm bệnh nặng, tôi bỏ hết công việc để đi chăm sóc ba, cũng chỉ chăm ba được nửa năm … Bầy chim định đưa vào chuồng lớn cũng theo ba ra đi hết …
Ba tôi mất đến nay là gần sáu năm rồi. 16/8 là ngày sinh nhật ba. Cứ đến ngày này, chúng tôi chỉ có thể làm gì đó để kỉ niệm thôi – không còn được chúc mừng sinh nhật ba nữa ...

Hoàng ĐL

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 372
  • Thanks 351
    • Xem hồ sơ cá nhân
Đầu tay
« Trả lời #3 vào lúc: 08/04/2012 09:02:28AM »
ĐẦU TAY

    Trước nay đi bẫy chim, tôi bắt cũng được kha khá, nhưng đại đa số là chào mào. Thi thoảng, mấy người bạn đi bẫy cùng có túm được chim cu, có khi mình cầm giùm cu mồi của bạn đi đánh, cũng có túm được cu. Nhưng hồi ấy tôi chưa quan tâm nhiều đến cu gáy nên việc bắt được cu rừng không gây ấn tượng nhiều lắm …
    Rồi khi bắt đầu quan tâm đến cu gáy, thinh thích, rồi yêu mến nó, bắt đầu để ý, tìm hiểu về nó … tôi cũng ti toe sắm lụp, tậu mồi, lội rừng chỉ với con cu … Cứ nuôi, chơi, dợt … hoài như vậy rồi tôi đâm ra mê mẩn, nghiện ngập lúc nào không biết. Cứ hễ rảnh ra, là lại phải sách con cu vào rừng, nhiều khi không rảnh cũng cố tự chứng minh là rảnh để được chuồn vào rừng … Mà đi là đi như vậy – đi cho đỡ “vã” chứ có được gì đâu. Đi răng về rứa là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí nhiều hôm chẳng có cả hy vọng đụng bổi, vậy mà vẫn cứ đâm đầu đi … Hy vọng chai sần theo năm tháng …
    Là nói vậy thôi, thì cũng có lúc phải tóm được chim rừng chứ nhỉ. Nhiều khi nghĩ thấy ông tổ Gác cu cũng sáng suốt lắm. Ông ấy biết lúc nào thì phải nhễu cho con nghiện gác cu một ít hy vọng, để mài bớt vết chai cảm giác đi, để hắn duy trì độ mụ mẫm mà nuôi cơn nghiện lâu dài …
    Một ngày đẹp trời nọ, tôi lại sách cu đi rừng, đi một cách vô tư hồn nhiên cứ như trẻ đến trường. Vẫn theo quy trình cũ: cất xe – chọn cây – dọn cành – treo lụp – tìm chỗ núp – ngồi ngóng, nghĩ vẩn vơ. Một lúc sau, tôi nghe chim rừng gáy xa xa, rồi nghe tiếng thúc ở gần đâu đó, rồi nó về cây, nó đấu với chim mồi. Có thế chứ! Con chim rừng đấu càng lúc càng hăng, đấu lâu lắm, lại căng thẳng nữa, lúc nào cũng như chực nhảy cầu – Có thế chứ! Rồi tự nhiên nó bỏ đi, lúc sau lại về, lại đấu căng hơn trước. Có thế chứ! …
    Tôi ngồi im thin thít, không dám ho he rục rịch, thậm chí, còn không dám ló ra một tí để xem cho rõ hơn … tội nghiệp tôi! Nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi, là đủ để bù đắp tất cả những ngày đi răng về rứa, những buổi chạy thục mạng về không kịp trốn mưa, những lần trốn nhậu đi gác cu bị bạn bè đay nghiến … bù đắp hết.
    Con bổi nó cứ chơi hoài. Con mồi bắt đầu thấm mệt. Đồ công tử bột ở phố thì đua thế nào lại trai hoang ở rừng. Lúc đầu thì bửa tay đôi, giờ thì con mồi cố lết theo con bổi … Rồi cũng đến lúc con bổi nhảy cầu. Có thế chứ! Con chim rừng tống ra vài đạc gù thật nhặt, rồi nhằm thẳng cái thằng ho hen đang ngật ngưỡng trong lụp phi vào … Pạch, cái lụp đung đưa … – chỉ thế thôi.
    Tôi hạ lụp xuống, che mặt lụp lại, gỡ con bổi ra. Hai tay run run như hồi trao nhẫn cưới. Đầu váng mắt hoa, nhịp tim tăng, huyết áp tăng, mất thăng bằng … không còn nhớ lúc đó mình đang nghĩ gì nữa. Khi đã bình tĩnh trở lại, tôi thận trọng cho con bổi vào túi rút, tìm cây khác máng lụp lên, quay lại chỗ núp ngồi ngắm nghía con chim bổi mới bắt được. Nghĩ lẩn thẩn, rồi tôi tâm sự với nó từ lúc nào cũng chẳng hay. Câu chuyện mới chỉ bắt đầu từ đây …
    Ah vậy ra nhìn mày nó là thế này đây àh! Cũng bình thường thôi, có gì đặc biệt đâu. Thậm chí nom còn bé choắt, mà sao lúc nãy mày to mồm thế nhề? Khổ thân mày ghê, hoảng hốt sợ sệt trái hẳn với vẻ hùng hổ hồi nãy. Hê hê, hồi nãy mày làm cho mồi cưng của tao lê lết, sao bây giờ không ra oai nữa đi!? Các cụ dạy thật chẳng sai “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được rồi mặt vàng như nghệ”.
    Giá mà hồi nãy mày biết nhịn con mồi, bỏ đi đi, thì giờ đâu đến nỗi. “Một điều nhịn, chín điều lành” các cụ đã bẩu vậy, không nghe. Ở đời ai mà không biết nhịn là tèm hem ra thôi.
    Mà cũng do cái thói hiếu chiến nữa. Cả hai đứa mày, cứ quyết tranh hơn tranh thua với nhau. Đứa nào thắng chả biết, chỉ biết là tao đang túm đầu cả hai đứa, he he. Nghĩ đến đây tôi thấy con chim cu sao nó ngu đến thế …
    Tôi chợt nhìn ra xa, về phía con mồi đang đứng thúc nhàn. Công nhận cái con chim cu mồi, nó … khốn nạn thật! Mình thì cứ chửi con bổi, nhưng cứ thử ở vào địa vị của con chim rừng đi. Tự dưng ở đâu ra một cái thằng nửa cu nửa người, hụt đầu thiếu đuôi nom chẳng ra sao, lại ngang nhiên nhảy bổ vào nhà mình kiếm chuyện. Nó bắt nạt trẻ con, chòng ghẹo phụ nữ, thách thức tất cả. Nó chửi ra rả suốt ngày, có khi hết ngày này sang ngày khác. Mình mới ho một tiếng, nó làm nguyên một chương … Àh thì bảo là phải biết nhịn đi cho lành. Vâng, ai chả biết thế! Nhưng nhịn gì còn được, chứ nhịn nhục thì nhịn sao được??! Cứ phải chiến, rồi ra sao thì ra … Nghĩ đến đây tôi lại thấy con bổi này sao mà can đảm anh hùng quá …
    ***
    Rồi chợt nhìn lại mình. Ngày nghỉ ngày ngơi mình lại mò vào tận đây, và mình vừa bắt được một con chim cu. Không biết là ngu hay là tài nhỉ !!?
    Thôi kệ đi. Mình vui. Chỉ thế thôi.
    Dẫu sao thì cũng có con bổi đầu tay, he he. Có thế chứ!!!


Hoàng ĐL

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 372
  • Thanks 351
    • Xem hồ sơ cá nhân
Đôi chim gáy cô đơn
« Trả lời #4 vào lúc: 08/04/2012 09:04:58AM »
Đôi chim gáy cô đơn.

    Cánh rừng này, thoạt nhìn, nếu không để ý thì trông nó cũng bình thường như bao cánh rừng khác. Nó cũng có vạt cà phê, có khe nước chảy … Nó đương nhiên tồn tại như một bức tranh vẽ, hầu như không thay đổi theo thời gian. Nơi đây là thiên đường của chim chóc, đã từng là lãnh địa riêng tư lãng mạn của một đôi chim Gáy. Đôi chim ấy bây giờ chỉ còn lại một con thôi, con chim có giọng gáy trong trẻo, nho nhỏ, âm điệu buồn da diết …
    Hồi đó nó là một con mái tơ đẹp nhất khu rừng này, có giọng gáy trong trẻo đầy mê hoặc. Nó là trung tâm tranh giành của chim trống trong vùng. Tất cả chim trống đều muốn có nó. Thế nhưng không ai có giọng gáy uy lực như ông ấy, không ai đẹp mẽ, khỏe mạnh bằng ông ấy. Một cách rất tự nhiên, nó thuộc về ông ấy. Nó và ông ấy sinh ra là để cho nhau. Hàng ngày, nó theo ông ấy bôn ba khắp nơi. Chiều đến, chúng về đây tâm sự, rỉa lông cho nhau. Chồng nó là con chim trưởng thành, rắn rỏi, đầy khôn ngoan. Hình như cái gì ông ấy cũng biết.
    “Này, em có thấy cái gã đang lim dim ngoài đằng xa kia không? Chim Cắt đấy! tránh xa nó ra nhé, bảo ban con cháu phải tránh xa nó ra, nó là thiên địch của họ nhà ta”
    “Thế sao ông với em vẫn cứ đứng đây?”
    “Àh, em nhìn đôi chim bên đây này, chim Chèo bẻo đấy, họ là khắc tinh của chim Cắt. Đi với họ ta sẽ an toàn. Nếu nhỡ em lạc mất tôi thì em cứ theo nhà Chèo bẻo nhé. Tôi sẽ tìm được em”
    “Ông nói vậy là ông định để lạc mất em sao … Àh mà sáng nay ông nghe thấy gì mà hoảng hốt thế?”
    “Ồh, cái tiếng “phạch” ấy àh. Đó là âm thanh chết chóc đấy. Cầu mong cho em đừng bao giờ phải nghe thấy cái âm thanh đó”.
    “Sao lại thế hở ông?”
    “Như thế này là cây súng này. Nó phát ra tiếng kêu đó đấy. Khi nghe nó kêu lên, nếu em vẫn còn sống, có nghĩa là một sinh vật khác vừa bị giết chết”
    “ … …”
    “Như thế này là chạc ná này. Nó cũng kêu như thế. Em có nhìn thấy viên sỏi ở dưới đất kia không? Nom nó hiền lành khờ khạo thế thôi, nhưng cái chạc ná có thể làm cho nó giết chết ta đấy. Nó làm ta bắn tung lên cao, rồi trở thành cái xác nát bươm khi chưa kịp rơi đến đất …”
    “ … …”
    “Như thế này là cái lụp này. Cái lụp để nhốt họ nhà ta vào đấy. Nó sẽ khiêu khích, dụ cho ta đến gần, thế rồi “phạch” – ta sẽ bị bắt đi, không thể về được đâu”
    “Ông nói nghe sợ quá đi thôi, nhưng mà họ là ai thế?”
    “Con người đấy. Ta cần họ, còn họ thì thèm muốn ta. Ta không thể tránh xa họ, nhưng ta phải luôn luôn trốn tránh họ …”
    “Xem ra con người còn nguy hiển hơn cả họ nhà Cắt ông nhỉ. Vậy chứ ai là khắc tinh của họ hả ông?”
    “Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ, họ là khắc tinh của nhau …”
    “Thôi, thôi, em sợ lắm, ông gáy cho em nghe đi”
    ***
    Rồi đôi chim cũng vào mùa sinh sản đầu tiên. Cô cu mái lót ổ rồi đẻ được hai quả trứng xinh xắn. Đôi cu thay nhau ấp ủ trứng với tất cả tình cảm yêu thương, trìu mến.
    Thế nhưng tai họa bỗng dưng ập đến. Khi trứng đã gần nở thì con người đem cái “lụp phạch” đến. Họ treo lụp gần tổ của đôi chim.
    “Mình phải bỏ tổ mà đi thôi, đi thôi em”
    “Ông đi đi, em không thể bỏ con em được, chúng còn chưa kịp chào đời, dù có chết em cũng phải ở lại đây”
    Con trống van xin con mái bỏ tổ thoát thân, nhưng con chim mái thà chết chứ không chịu bỏ con của nó.
    “Thôi thì để tôi đuổi kẻ kia đi vậy. Nhưng em phải hứa với tôi là phải bỏ đi thật xa, em phải đi thật sâu vào rừng nghe chưa”
    Căn dặn vợ xong, con gáy trống bay ra chỗ cái lụp. Nó đấu một trận tưng bừng với con mồi rồi nhảy lụp.
    Phạch.
    Hai kẻ núp trong lùm cây gần đó chạy xồ đến. Họ hạ lụp xuống, vừa gỡ con cu gáy ra khỏi lưới vừa nói với nhau:
    - Gứm chưa, nay bắt cặp rồi mới chịu nhảy đá đó.
    Con chim không buồn giãy dụa. Nó nhìn theo dáng vợ nó đang hoảng hốt, lảo đảo bay đi. Đây là lần đầu tiên con chim gáy mái nghe phải âm thanh chết chóc tàn nhẫn lạnh lùng đó. Nó hoảng loạn bay không định hướng. Khi đã hoàn hồn trở lại, nó quay về để tìm chồng nhưng con người đã đem chồng nó đi mất rồi. Họ chỉ để lại dưới đất đống lông cánh của ông ấy.
    Con chim mái vô cùng đau khổ, ân hận. Mất chồng, nó bỏ luôn cả tổ trứng với hai đứa con sắp được chào đời. Nó thảng thốt bay mải miết. Nó đi khắp nơi để tìm chồng nó. Tìm kiếm trong tận cùng của nỗi đau khổ, cô đơn và tuyệt vọng …
    Chiều chiều, nó lại bay về cánh rừng này, cất tiếng gáy trong trẻo, yếu ớt, nhưng da diết xa xăm …
    Chiều buồn em gáy tỉ tê
    Chồng ơi chồng hỡi chồng đi không về
    Nhớ chồng tìm mải tìm mê
    Chồng ơi chồng hỡi chồng về với em …
    ***
    Thế rồi một hôm, nó chợt nghe tiếng gáy rất đỗi quen thuộc, thân thương tự xa xưa vọng về. Nó thảng thốt bay về hướng ấy. Ôi đúng là ông ấy của nó kia mà. Ông ấy đang gáy gọi tìm nó. Tiếng gáy bi hùng, dồn dập vang xa.
    Nó bay vội đến gần chồng. Nó cuống quýt, vồn vã ùa đến với ông ấy, bao nhung nhớ, yêu thương bùng nổ thăng hoa, mọi đau khổ, cô đơn, tuyệt vọng giày vò nó bao năm qua dường như tan biến hết.
    Phạch. Hai con người lại chạy xồ đến.
    Nhưng mặc cho lưng bị đập rớm máu đau buốt, mặc cho lông rụng tả tơi, nó không vùng vẫy tìm cách thoát thân mà chỉ cố sức nhoai người tới để được gần chồng nó hơn …
    - Ui chim mái anh ơi, thứ gì về thúc quíu quíu rồi té luôn cái bạch àh …
    - Ừ, mái chắc, vặt lông đi chớ nuôi làm gì.
    Họ bóp chết con chim mái trong khi nó vẫn đang cố nhoai đến với “ông ấy” của nó, họ treo ngược xác con gáy tội nghiệp lên ghi đông xe rồi bỏ đi. Con chim gáy trống đứng chết trân trong lụp.
    ***
    Sáng hôm sau, ở quán cà phê nọ.
    - Anh, con cu mồi chết mất rồi.
    - Ủa, sao mà chết được??! Mới đi đánh ngon lành hôm qua đó mà!
    - Òh, không biết nữa. Bữa hôm bắt được con mái đó, cái nó bỏ kèo luôn hà. Chắc bị trúng gió hay sao áh. Về thấy nó đứng cù rụ, em che áo lại treo vô nhà rồi đó chớ, sáng nay mở ra thấy chết mất tiêu …
    - Uổng chưa. Con mồi mới nổi chơi hay vậy mà …
    ***
    Thật là oan uổng!!!


littledavid

  • Newbie
  • *
  • Bài viết: 1
  • Thanks 0
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Đôi chim gáy cô đơn
« Trả lời #5 vào lúc: 08/04/2012 10:12:05AM »
Buồn quá bác ơi!

chipchip

  • Thủ Quỹ
  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 1046
  • Thanks 560
  • Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy....!
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Đôi chim gáy cô đơn
« Trả lời #6 vào lúc: 08/04/2012 11:28:25AM »
Câu chuyện hay nhưng buồn lắm. Hạnh phúc vì cuối cùng đôi chim vẫn ở bên nhau mãi mãi, ở một nơi rất xa....
Xin cám ơn anh vì câu chuyện đầy tính nhân văn.
SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG ~:>

CUGAYBINHDINH

  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 229
  • Thanks 35
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Sinh nhật ba
« Trả lời #7 vào lúc: 08/04/2012 12:59:00PM »
Thành thật chia sẽ tất cả những gì bác có về người cha bằng tất ca tâm lòng mà tôi có.cuộc sống của bác thật là hạnh phúc và thật là đẹp.thân.
Bình Định Quê Tôi..!

CUGAYBINHDINH

  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 229
  • Thanks 35
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: [b]Gáy gọi[/b]
« Trả lời #8 vào lúc: 08/04/2012 01:11:13PM »
Bác HoangĐL hôm nay nhiều cảm xúc quá.em xin thoát ra diễn đan đây.em cũng không còn cha mẹ.bác đang làm một người đàn ông như em phải khóc đấy.thành thật chia sẽ những gỉ bác có.rất cảm động về những câu chuyện của bác.mình cũng sống ở quê,cũng đầy ắp tình thương cha me,nuôi dạy ăn học nên người.nhưng trong cuộc đơi mình sư hối hận lớn nhất đó là không nuôi dưỡng được cha mẹ...Vì mình học năm cuối đại học thì cũng là năm cuối mình không còn cả cha lẫn mẹ.chỉ một năm.botay.............................??????????????.
Bình Định Quê Tôi..!

Hoàng ĐL

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 372
  • Thanks 351
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: [b]Gáy gọi[/b]
« Trả lời #9 vào lúc: 17/07/2013 04:12:45PM »
Những điều giản dị

Bầy chim cu gáy ở nhà đang thay lông. Lông rụng nhiều quá. Tôi được nghe cằn nhằn nhiều hơn nghe chim gáy … Mà chim nó ít gáy cũng phải thôi. Đận này bận bịu không cho mấy con cu mồi đi rừng được. Ở nhà lại chẳng được chăm sóc tử tế, chúng chẳng thèm gáy nữa là phải. Dạo này vợ tôi hay hỏi: “Sao bữa nay không nghe cu nó gáy như mấy trước nữa ?”. “Chắc tại đang thay lông” – Tôi trả lời cho qua, thực ra trong lòng cũng lăn tăn lắm.
Vợ tôi thường tỏ ra không ủng hộ việc tôi chơi chim, nhưng tôi biết, em rất quan tâm đến mấy con chim của tôi. Những lúc tôi đi vắng dài ngày, việc chăm sóc chúng đều do em làm cả - có khi lại còn chu đáo hơn tôi chăm. Mỗi khi vợ tôi châm lúa, các cóng nước luôn được rửa sạch, khay hứng phân luôn được đổ đi, thay cát mới. Còn tôi thì để cho đến khi lên rêu, khay ngập phân mới chịu thay ra …
Vợ tôi thích trồng hoa, trồng cây linh tinh. Em thích tận dụng những chai lọ nhỏ bỏ đi để làm chậu rồi trồng các cây linh tinh trong đó. Từ cây ngũ sắc, cây thông con cho đến hành củ, ngải cứu, tía tô … linh tinh lít nhít xếp vào một góc sân. Lâu lâu em rủ đứa con gái nhỏ của tôi ra ngồi ngắm ngắm , xắp xếp, bắt sên, nhặt cỏ … Thấy cũng vui vui. Mấy tháng trước tôi làm cho hai mẹ con hai cái máng để trồng cây. Tôi mua hai ống nhựa tròn to, xẻ ra cho thành cái máng rồi lấy mấy cây dâu tây trồng vào đó. Hai mẹ con thích lắm, chiều nào về cũng chăm chăm chút chút. Đến tối còn ra soi đèn bắt sâu. Ban đêm, sâu nó ở đâu bò ra mà nhiều lắm, mới hồi đầu con bé con còn sợ, không dám đụng đến, rồi nó quen dần, nó lấy cái nhíp nhổ râu của tôi ra để gắp sâu (thật là bá đạo), bây giờ thì nó dùng tay túm tuốt, chẳng còn sợ gì nữa. Khi dâu bắt đầu trổ bông, ngày nào con bé con cũng ra đếm xem được bao nhiêu quả. Cứ có bông mới là nó phải lôi bằng được tôi với vợ tôi ra để khoe “Đó, thấy chưa, thêm một quả nữa rồi, nhà mình sắp giàu rồi …”. Hôm nay cây dâu đã bắt đầu có quả chín. Hai cái máng nhựa với  vài cây dâu mà quả đeo lúc lỉu, màu hưng hửng hồng. Nhìn vui vui lạ.
Tôi thường hay ngồi im lặng một mình để nghe cu gáy, có khi tôi ngồi hàng giờ chỉ để nghe vài tiếng chiêu lơi lơi. Đối với tôi, nó thật sự thư giãn. Nhiều khi tôi bước vào nhà, đầu óc căng nặng những bất mãn, bức xúc với đồng nghiệp, rắc rối vướng mắc trong công việc … Vậy mà chỉ cần ngồi im một lúc là thấy dịu đi, cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hẳn.
Trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần được ngồi yên lặng một lúc để nghe và để ngắm những điều thật đơn giản, bình dị - Chỉ thế thôi.

 

Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

AUTO [F9]TELEX VNI VIQR VIQR* OFF Check Spell Old Accent