[img]http://nl3.upanh.com/b5.s26.d2/8cb1f5b9b162bc70542e5da79303c94e_43629063.a17a10.jpg[/img]Đã có một thời gian dài trên vỉa hè phố phường Hà Nội người ta vẫn bắt gặp những người bán chim trời với hàng chục chú chim bị vặt trụi lông. Thôi thì đủ loại chim được những gã săn bẫy, rồi lái buôn thu mua về, mang lên phố làm món hàng cho dân nhậu. Chú thì bị cột chặt chân với nhau, chú thì bị "lột” sạch lông, nhìn như chú bé ở truồng cứ nhảy lích rích trong đau đớn, trong giá lạnh và gió bụi. Một thời gian dư luận bất bình, việc làm độc ác như thế bị cấm trên phố. Người ta lại chuyển về bán ở những nơi khác khuất nẻo hơn.
[img]http://nl8.upanh.com/b1.s26.d2/35404b5c6ad43b8a992f88cebdb7feab_43629158.biquyetsanchimvadacsanchimtroilu.jpg[/img]Giờ, ở nhiều vùng quê vẫn có những gã săn chim rất chuyên nghiệp. Rồi những cái bẫy lạnh lùng và ác độc giăng ở khắp nơi, những khẩu súng đen ngòm, chỉ chờ bóng dáng của loài chim là được giương lên. Dường như, con người ngày càng tàn độc hơn với các loài chim, nhất là chim trời. Chúng bị săn đuổi, tìm giết, bị truy lùng ở khắp mọi nơi. Loài và số lượng của chúng bị thu hẹp dần, có những loài không còn bóng dáng trong cuộc sống. Chúng là nguồn lợi của những gã thợ săn, là món nhậu ngon trên bàn tiệc của các "thượng đế” nơi phố sá. Ai cũng nghĩ rằng loài chim sẽ chẳng bao giờ dám gần gũi con người.
[img]http://nl1.upanh.com/b6.s13.d5/5e046e433312a782d7f7106c2dc17cd1_43629301.san422222222.jpg[/img]Nhưng không ngay ở phố phường Hà Nội, chúng ta vẫn có thể tìm ra những người yêu quý chim, coi chim như con, như bạn, thậm chí còn bỏ tiền mua thức ăn để nuôi chim trời. Ở 70 phố Quán Sứ có bà Kính, người đã ở tuổi 86 nhưng rất yêu chim sẻ, lấy việc cho chim ăn, hàng ngày vãi thóc cho chúng ăn là niềm vui lúc tuổi già. Bắt đầu từ năm 1973, bà Kính hay sang chùa Quán Sứ vãi thóc cho chim ăn. Gần 6 năm nay, đàn chim sẻ bay về tíu tít trước cửa nhà, bà cho chúng ăn và coi chúng như những "đứa cháu” tội nghiệp. Lũ chim thường đậu đầy trên mái nhà, đậu trên cả những cây cổ thụ và lúc nào thấy bóng dáng bà bước ra sân là chúng lại sà xuống. Số tiền khoảng 300 nghìn mỗi tháng mua thóc, được trích từ tiền lương hưu của bà.
[img]http://nl7.upanh.com/b1.s26.d2/0e7622c4aa1ebe58e47cf1fdcd492db0_43629187.tandietchimtroitin180.jpg[/img]Ở ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành (Hà Nội) cũng có một bà bán nước chè, suốt 10 năm qua nuôi "đàn con” của mình là hàng trăm chú chim sẻ. Hơn 20 năm qua, hàng nước nhỏ bé của bà Tim vẫn tồn tại và bình dị như thế. Ngày nào bà cũng bầy nước rất sớm và dọn hàng rất muộn để tiếp đón những vị khách bình dân. Khoảng 10 năm trước, khi bà ngồi bán nước thì tự nhiên có mấy chú chim sẻ sà xuống, nhảy lích chích trước mặt tìm mồi. Sẵn có ít bỏng ngô vụn, bà vãi ra cho chúng ăn. Không hề sợ hãi, chúng liền mải mê nhặt và ăn cho bằng hết. Hôm sau, lũ chim lại tìm đến và bà Tim đã chủ động gói một ít gạo mang đi, thế là bà "khao” cả lũ. Lũ chim như nhận ra sự gần gũi bởi trái tim nhân hậu của bà, nên yên tâm đến gần bà mỗi khi được cho ăn.
Bà Tim quê ở một vùng quê nghèo của Hà Nội. Cho đến bây giờ bà vẫn sống một mình. Hiện tại bà đang phải nương nhờ vợ chồng cô cháu gái đằng nhà ngoại làm việc ở nội thành Hà Nội. Với tình yêu và sự chăm sóc của bà, những con chim bay nhảy trên những ngọn cây, hót líu lo và rủ thêm bạn về ngày một đông hơn. Rất nhiều chim lạ kiếm ăn ngang qua thấy có nhiều đồ ăn nên những ngày sau đó cũng chỉ quanh quẩn trên những ngọn cây, đói lúc nào lại sà xuống ăn gạo bà Tim đã rắc sẵn. Đàn chim bây giờ đã lên đến vài trăm con. Chim tập trung đến càng nhiều thì thức ăn tiêu tốn càng lớn. Để đàn chim được no bụng, mỗi ngày bà Tim phải mất đến gần 1kg gạo và vài lạng thóc. Nếu nhân với số ngày của 10 năm thì đó là cả một khoản chi phí không hề nhỏ.
[img]http://nl5.upanh.com/b6.s27.d2/1a5afaa753728c992eeb0601a96a66c7_43629425.100531171258771779555.jpg[/img]Việc nuôi dưỡng những chú chim trời của một số người sẽ bị không ít người khác cho là dở dang, là hâm. Nhưng trái tim của họ vô cùng nhân hậu, cũng giống như những người đã và đang cưu mang những đứa trẻ làng thang, không cha, không mẹ. Bởi vì họ có lòng nhân ái, có tình yêu thương, có sự gắn kết với loài động vật bé nhỏ mà đáng yêu. Việc làm đó thật đáng quý và trân trọng biết nhường nào.
(trích bởi tác giả: Diên Khánh)