Tôi xin chia sẻ một kiểu lụp – chắc chẳng nhiều người thích – tạm gọi là “lụp chửa ăn gian”. Bạn nào có hứng thú, có điều kiện có thể tùy biến làm cho mình vài cái chơi. Sài loại lụp này cũng có nhiều điều thú vị.
Gọi là “chửa” vì cái mặt lụp vồng ra như bụng bà chửa sắp đẻ. Gọi là “ăn gian” vì sân lụp và cầu tử dài hơn chiều cao của lụp.
Tôi sẽ không thuyết minh dài dòng vì dễ gây rối rắm. Các bạn nhìn hình đến khi hiểu kết cấu thì sẽ tự làm được.
Móc lụp kiểu móc buri:
Chốt lẫy lò xo – một kiểu chốt đơn giản và hiệu quả
Khung lụp: cao 30cm, rộng 26cm, bề dầy 22cm.
Đáy làm rời, ráp sau.
Sân làm rời, ráp sau.
Cầu đậu, cầu tử làm rời, ráp sau.
Đây là phần ăn gian. Phần ăn gian chính là cái khung đỡ gọng lưới. Lụp Đồng Nai ăn gian có 3 - 4 cm, tôi tham lam hơn, đã ăn là ăn cho ló thật lo (đừng để bội thực là được he he) – tôi làm 7-8 cm …
Vì thế mà mặt lụp cao chỉ 30 cm …
Nhưng sân lụp vươn đến 42cm
Thực tế riêng cái sân rời chỉ dài “có” 35cm thôi do ăn gian nên nó mới vướn đến 42cm tính từ mặt lụp.
Sân dài nhưng xếp lại vẫn không thừa.
Xong phần khung thì đan ráp nan cho cái mặt lụp.
Nhìn ngang này, he he, giống y cái bụng bà bầu …
Đan xong mặt lụp thì ráp nan thân lụp.
Ráp đáy, ráp thân, gắn cầu đậu, cầu tử vào.
Xếp lên nom cũng gọn nhưng khổ cái là phải tháo cái cầu tử ra. Có nhiều cách làm cầu tử rời – các bạn tự tìm cho mình cách làm sao cho gọn ghẽ nhất là ổn.
Ráp lưới – lợp lá vào.
Công đoạn cuối là … nhét con cu vào đấy – thế là xong.
Cũng vì cái ông cu này mà tôi phải hì hục làm riêng cho nó cái lụp này đấy. Trước đây nhốt vào lụp mặt quy phẳng, nó rúc toe toét hết đầu cổ mặt mũi. Nay nhốt vào lụp này thì thấy ổn, cậu ấy vẫn rúc nhưng không bị toe toét nữa …
Cầu đậu và cầu tử đều moi ruột cho nhẹ bớt. Lụp xong xuôi cân nặng 8 lạng (chưa nhốt chim, đổ lúa, nước)
Các bạn thấy thép khung lụp có vẻ “nhăn nheo” lại bảo tôi lười duỗi làm ẩu. Nhưng thực ra tôi làm bằng thép lấy từ sợi dây cáp kéo gỗ của xe reo – thép cực cứng, duỗi, gò hết cỡ chỉ được đến thế thôi …
***
Lụp nào thì cũng phải có ưu – nhược của nó. Sau một thời gian sài loại này tôi thấy:
- Ưu điểm:
+ Làm cho bên trong lụp rộng rãi thoải mái hơn,
+ Trong cùng các điều kiện (cu mồi, chim bổi, thế đánh, bãi gác …) loại lụp này dễ bắt bổi hơn loại lụp truyền thống khác do cầu tử, sân lụp dài hơn – bổi dễ nhảy hơn. Các loại lụp cầu dài thường bắt bổi trước khi chim bổi có ý định nhảy đá mồi,
+ Góp phần hỗ trợ cho mồi khi đấu với bổi: mồi sung thì có thể áp sát mặt lụp – khi ấy nhìn nó như là đứng hẳn ra ngoài lụp, nhưng nếu gặp bổi nhây quá, khi đuối nó có thể tạm trốn ra lưng lụp. Điều này góp phần tạo nên công bằng cho trận đấu vì khi bổi căng thì dí vào mặt lụp mà chửi , bổi đuối thì đã có đầy chỗ để tạm tránh đi, trong khi con mồi thì cứ phải đứng chết dí một chỗ – điều này ai đã từng đụng bổi nhiều sẽ rất rõ (và cũng rất ức dùm cho mồi, he he)
+ Hợp với nuôi nhốt chim lỡ, chim còn hay rúc đầu ra mặt lụp vì mặt lụp vồng ra như thế thì chim có rúc cũng đỡ bị tét mặt, tróc đầu.
- Nhược điểm:
+ Cồng kềnh hơn lụp truyền thống,
+ Khi xếp lại phải tháo rời cầu tử ra nếu không sẽ cấn cái “bụng bầu”. Điều này gây bất lợi là khi đổi kèo, nếu không để ý là quên mất cầu tử - tới kèo mới mà ớ ra là quên mất cái cầu tử ở chỗ cũ thì ức chế lắm lắm, tôi bị hoài … Đó là chưa kể nếu không cẩn thận, còn có thể làm rơi mất cầu tử trước khi vào đến rừng nữa …
+ Nhiều chim bổi nhảy nhanh quá, không kịp ra hết bài vở - điều này làm mất đi phần lớn ý nghĩa của thú bẫy cu truyền thống – chắc chắn các cụ bắt chim thâm niên sẽ không thích điều này vì gu thưởng thức của các cụ là phải vắt con bổi cho kiệt nước rồi mới bắt – để coi để nghe cho đã hai con mắt, sướng đôi lỗ tai, khi bắt được lại đỡ phải mất công xăm soi xem tướng lựa bổi.
Vọc cho vui là chính – chúc ACE tí máy vui vẻ./.