Gần 7 năm qua, chị Lê Thu Hà, thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) nuôi chim cu gáy để bán, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Chị Hà nuôi 400 con chim cu gáy (200 lồng) trên tầng thượng và tầng hai của ngôi nhà khang trang. Ưu điểm của loài vật nuôi này là không tốn diện tích, ít chất thải nên không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Khu chăn nuôi được trang trí cầu kỳ, có tranh vẽ phong cảnh trên các tấm xốp lắp trong các lồng nhằm tạo cho chim thấy gần gũi với thiên nhiên. Chim cu gáy có nhiều loại, trong đó gáy lơ có giá bán cao nhất bởi trọng lượng lớn và màu sắc đẹp.
Chị Hà cho biết: "Gia đình tôi chỉ có 200 m2 đất trong đó hơn một nửa diện tích xây nhà, khoảnh còn lại làm xưởng mộc nên không còn chỗ nuôi lợn, gà. Một lần đi giao đồ thủ công mỹ nghệ cho khách hàng, thấy họ nuôi chim cu gáy lợi nhuận cao nên tôi đã dành 26 triệu đồng mua chim giống về nuôi".
Những ngày đầu, vợ chồng chị đến tìm hiểu mô hình nuôi chim cu gáy ở Thái Nguyên, Hà Nội, Cao Bằng. Theo chị Hà, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng hoặc chiều tối bằng thóc, hạt kê, thỉnh thoảng bổ sung sỏi son vào thức ăn để kích thích tiêu hoá. Mùa đông chị thắp điện, che bạt kín ủ ấm chuồng; trồng cây xanh, lợp tấm xốp làm mái che mát cho chim trong mùa hè.
Ngoài ra, chị thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng và vệ sinh sạch sẽ dụng cụ, chuồng trại. Nhờ làm chủ kỹ thuật, đàn chim luôn khoẻ mạnh, phát triển tốt. Từ những đôi chim ban đầu, nay chị đã nhân lên hàng trăm con. Mặc dù vật nuôi này có giá bán cao nhưng hiện vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng. Chim non 13-14 ngày tuổi được bán 600 nghìn đồng/đôi; chim bố mẹ khoảng 5 - 6 triệu đồng/đôi. Nhiều người từ Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn đến đặt mua. Đặc biệt, đối với chim gáy có giọng thổ đồng, thổ gầm, thổ dền bao giờ cũng cao giá, khoảng 10 - 15 triệu đồng/đôi.
Mỗi năm, gia đình chị xuất bán hàng trăm đôi chim, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chị tiếp tục mở rộng nuôi khoảng 300 lồng.
Trịnh Lan
Nguồn: Báo Bắc Giang
thật đáng ngưỡng mộ