Chào bác Thodong.
Người mà bác nhắc đến có lẽ là anh Phúc. Anh ấy có tiêu chuẩn chọn chim mồi rất khắt khe:
- Về ngoại hình: Cấp mình bắp chuối, dài đòn, đầy đặn, không móp. Chỉ mỏ phải thẳng. Anh ấy mê đầu tròn cổ thắt. Quy cánh no bầu, đều nhau, dầy mình. Bộ lông mỏng, bóng, bó.
- Về nước non:
+ Chim phải có chất giọng tốt, vang, rung.
+ Chim phải có đủ các nước rước, dặm, kèm. Đụng bổi phải nhạy miệng dặm kèm nhưng bổi mới về thì không được gù ép bổi.
+ Phải biết giữ chân bổi: biết siết khi bổi căng, biết nhả khi bổi lơi. Anh ấy ghét loại mồi "mồm 5 miệng 10".
Để ý mấy con mồi "dắt ruột" của anh ấy thì tôi thấy chúng đều hội gần đủ mấy yêu cầu đó (chưa thấy con nào hội đủ hết yêu cầu như thế). Do anh ấy chơi chim lâu năm, đã cầm chơi nhiều mồi rồi nên yêu cầu khắt khe vậy. Còn tôi thì biết như thế thôi, chứ không dám đua đòi học theo, vì cứ theo đuổi mục tiêu như vậy thì ... lấy đâu ra chim mà chơi ngay ...
Con chim bổi Phú Yên.
Theo tôi được biết thì thường, những con chim chỉ cần có một trong những đặc điểm như cấp mình ngắn, cẳng nhỏ mà dài, mắt lồi, có bờm ngựa là chim nhát, khó đứng lồng, lâu nổi, khó ra mồi - cho dù chim có hay cách mấy ... Tôi cũng đã thấy người ta thải nhiều chim như vậy rồi, kể cả là sau khi đã nuôi báo cô 3-4 năm. Nhưng thi thoảng tôi cũng được gặp con chim mồi rất hay (theo nhận xét riêng của tôi), lại có những đặc điểm đó, con thì mắt lồi cấp mình ngắn, con thì bờm ngựa chân cao ... Mỗi con có một nết hay riêng (tất nhiên có cả nết dở), nhưng có điểm chung là "rất khôn chim" và "chơi bền bỉ".
Con chim Phú Yên nó có đủ 4 điểm trên bác ạh. Tôi đang muốn tìm hiểu xem cái thứ này rồi thì nó sẽ ra cái thứ gì ???
Vì sao nhốt nó vào lụp?
Mục tiêu của tôi khi nuôi con chim đã lựa chọn là phải ra mồi. Cái vụ dựng chim mồi tôi thấy: nuôi cho con chim từ chim bổi mà nổi căng đét lên thì mới chỉ đi được 1 phần nhỏ con đường thôi; tập cho ra rừng chịu chơi, bắt được bổi là mới chỉ đi tiếp thêm một đoạn ngắn nữa; con chim ra rừng tự biết làm việc, chơi đều kèo, mới bắt bổi xong mà máng lên nó chơi như chưa có việc gì xảy ra ... thì khi ấy nó mới được gọi là chim mồi. Tôi thì tập chim dở dang rồi bỏ có, nuôi con cu bổi tập cho ra cu mồi có, tập dở dang rồi đưa người khác tập ra mồi có, tập từ chim dở dang của người khác ra mồi có ... nhưng tự thấy chim mồi làm mình hài lòng toàn là chim do người khác dựng lên, mình mua lại hoặc trao đổi mà có, tự mình chưa tập cho ra con chim mồi nào làm mình ưng ý cả.
Khi mới bắt con chim Phú Yên về, tôi có 2 lựa chọn nuôi:
- Nhốt lồng rộng gần gụi với chim khác cho ăn uống, nắng nôi, mưa gió ... tự nhiên cho nó mái thoải, có người ra người vào cho hết hoảng từ từ, sau đó đưa vào lồng riêng cho quen dần, rồi đưa vào lụp cho quen thêm, rồi sách ra mang vào cho quen ấy, rồi đem đi đem về cho quen ấy ấy, rồi cho đi rừng cho ấy ấy ấy ...v...v..., Nghĩ bụng thì như thế, nhưng mà khi nhìn vào con chim, thấy em nó cứ lấm la lấm lét, luôn sẵn sàng nhảy cẫng lên bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì ... tôi thấy tương lai mờ mịt quá đi ...
- Lựa chọn 2 là xử lý cái lụp sao cho nó ít bị hại nhất khi giãy (phải xem con này nó chuyên giãy kiểu gì), rồi thì tương lai cuộc đời của nó gắn liền với cái lụp đó - nó chỉ phải làm quen với việc nâng lên hạ xuống, châm lúa đổ nước của mềnh thôi.
"Khôn chim", "Bền bỉ" là 2 điểm của cu mồi làm tôi ưng ý. Tôi chọn con chim này chỉ với hy vọng chứ không khẳng định chắc chắn điều gì. Tôi thử nuôi và tập nó xem như ... mua công trái. Dù sao thì mình cũng không chỉ chằm hăm vào 1 mình nó bác ạh.
Hiện giờ thì em nó vẫn giãy, nhưng mấy vết thương cũ đã lành, không thấy có vết thương mới, không thấy rụng lông cánh, lông đầu. Hy vọng tôi đang chọn đúng cách nuôi.