Chúng con xin nghiêng mình Vĩnh Biệt Đại Tướng Võ Nguyên Giáp!
. Cả Thế Giới nghiêng mình trước Vị Đại Tướng Đại Tài của Dân Tộc Việt Nam.
..........................................
Xin trích dẫn một số nguồn thông tin đăng trên các báo về Đại Tướng:
Tướng Giáp là nhân vật đại diện cho tinh hoa, trí tuệ, bản lĩnh của Việt Nam, dù thành phần xã hội nào, nghề nghiệp gì ai cũng tự hào về ông và coi ông là thần tượng.
[img]http://i0.upanh.com/2013/1005/03//57709170.daituongvonguyengiapquadoi103.jpg[/img]VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Ôi đây anh hùng dân tộc chúng ta
Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước
Máu đỏ cờ hoa, quyết xông lên giữ cho bằng được
Cho tiếng ru hời ngọt lịm những đêm trăng.
Dân tộc anh hùng chiến thắng mọi giặc xâm lăng
Vang danh non song, ghi ơn bao nhiêu là vị tướng
Đinh, Lý, Trần, Lê hay thời đại Hồ Chí Minh bao nhiêu lần tạc tượng
Cho dòng sông hiền hòa muôn đời đỏ nặng phù xa.
Dân tộc anh hùng hôm nay vĩnh biệt một vị tướng tài ba
Lừng lẫy năm châu, tinh thông, đức tài, một đời oanh liệt
Cả dân tộc anh hùng hôm nay cúi đầu, bái biệt
Cho bầu trời hòa bình xanh mãi mãi Việt Nam.
Đại tướng của dân tộc anh hùng – Võ Nguyên Giáp vẻ vang
Anh cả của hàng nghìn đoàn quân trùng trùng điệp điệp
Cú đấm tay, vầng trán cao, nụ cười Việt Nam khiến quân thù sợ khiếp
Cho những con đường thắm đỏ độc lập, hạnh phúc, cờ hoa.
Từ Quảng Bình đất mẹ đến Việt Nam dân chủ Cộng hòa
Xô Viết Nghệ tĩnh sục sôi người thanh niên trẻ
Đoàn giải phóng quân, độc lập, tự do, sấm vang bốn bể
Nắng Ba Bình, nước mắt nghẹn những sướng vui.
Việt Bắc ơi nhớ không chăn sui, củ sắn vùi
Thu Đông, Biên Giới pháo ran rừng vây giặc
Chỉ thị vang lên, đánh chắc, thắng chắc
Cho cánh chim tung trời Điện Biên rực sáng năm châu.
Người đại tướng của nhân dân dù đi bất cứ nơi đâu
Cũng giản đơn, gần nhân dân, dân yêu, dân quý
Vì nước quên thân, những đêm trống canh, không phút được nghỉ
Miền Bắc nguyện hy sinh hết mình cho một ngày giải phóng miền Nam.
Kháng chiến trường kỳ, máu đổ, chặng đường biết mấy gian nan
Cả dân tộc vùng lên, Bắc – Trung – Nam làm nên chiến dịch lịch sử
Hồ Chí Minh, thống nhất non sông cho một Việt Nam bất tử
Đại tướng thêm một lần chiến thắng giặc ngoại xâm.
Hôm nay, lại một chiều thu đau đớn gấp bao lần
Dẫu vẫn biết đời người rồi sẽ đến
Như dòng sông Lệ Thủy đỏ nặng gờ như không bờ không bến
Không còn Đại tướng về ngắm xa tắp nước mắt dòng sông.
Lại một chiều thu lảo đảo những cơn giông
Bao liệt oanh, chiến công, máu và hoa, từ nay không còn nữa
Dân tộc anh hùng thêm một nỗi đau chất chứa
Cho non sông này thắm đỏ mãi những mùa xuân.
Chậm lại đi ôi những bước chân
Nén vào trong đi những dòng nước mắt
Kính cẩn nghiêng mình, nén hướng, chào Đại tướng lòng đau câm thắt
Cho dân tộc anh hùng đỏ thắm mãi những mùa xuân…
(Lưu Thanh Tuấn- Bài thơ đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 4-10-2013)
…………………………………..
'Mối tình đầu' của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
NGUYỄN HỒNG CƯ (NGUỒN: VIETNAMNET)
Thứ sáu 04/10/2013 22:24
(GDVN) - Tuổi 20, ông Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái (em gái ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại tại Vinh để sau đó trở thành người yêu, người vợ.
LTS: Không chỉ là người lính, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, còn gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi duyên phận "anh em đồng hao" (phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Nguyễn Hồng Cư là hai chị em ruột).
[img]http://i1.upanh.com/2013/1005/03//57709243.vonguyengiapgiaoducvietnam1.jpg[/img]Trong những ký ức riêng rẽ về tuổi trẻ, đặc biệt những ký ức về cuộc sống riêng, Đại tướng đã chọn người anh em đồng hao của mình nhờ phác bút hồi ký. Năm 2004, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư - với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà - đã cho ra mắt tập sách "Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ" được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Một phần thú vị của cuốn sách này là những ký ức đặc biệt về "Tuổi 20 của Đại tướng", trong đó có chuyện kể về cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Đó là người phụ nữ Võ Nguyên Giáp gặp lần đầu tiên trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại Vinh và sau đó trở thành người yêu, người vợ đầu của ông - một người phụ nữ đặc biệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, cho đến khi bà qua đời vì bị giặc bắt cầm tù.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:
Gặp gỡ
Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng.
Lúc ấy, anh Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô đi ngay vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.
“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.
Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.
Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.
Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với hai cô.
Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần kiên định, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.
Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tàu” - anh thầm nghĩ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ.
[img]http://i2.upanh.com/2013/1005/03//57709244.vonguyengiapgiaoducvietnam2.jpg[/img]Ảnh tư liệu
Anh hỏi chuyện:
- Tình hình dạo này thế nào?
Quang Thái đáp:
- Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.
Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.
Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ. Anh mong có dịp gặp lại.
Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.
Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.
Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.
Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp hoạt động bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!
Khi đó, trong tù, Quang Thái làm bài thơ, được lưu truyền khắp nhà lao:
Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
Bài thơ khiến anh Giáp càng mến phục Quang Thái.
Tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng...
...................................................................
Cuộc đời và sự nghiệp của vị Đại tướng chưa một lần học về quân sự
VIẾT CƯỜNG
Thứ sáu 04/10/2013 21:46
(GDVN) - Vị tướng luôn “sát cánh” bên Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập đã không còn nữa. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mất mát to lớn cho toàn dân tộc, nhưng những công lao của người thì các thế hệ người dân Việt Nam không bao giờ quên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911) là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975).
Đại tướng tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là một giáo viên dạy sử, nhà báo và từng giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
[img]http://i8.upanh.com/2013/1005/03//57709268.daituongvonguyengiap2giaoducviet.jpg[/img]Thời niên thiếu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm. Ông Võ Quang Nghiêm là một nho sinh thi cử bất thành về làm hương sư và thầy thuốc Đông y, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam.
Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản “Quan hải tùng thư” do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo “Tiếng dân” của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.
Thời thanh niên
Đầu tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng,...
Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.
Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.
Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.
Bắt đầu sự nghiệp quân sự
Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm lại chiến trường xưa
[img]http://i2.upanh.com/2013/1005/03//57709271.daituongvonguyengiap3giaoducviet.jpg[/img]Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ.
Trong Chính phủ Liên hiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi).
Cũng trong năm 1946, ông kết hôn với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).
Kháng chiến chống Pháp
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.