Còn vì răng gọi là Làng đực hết thì sự tích như sau: Bài này đã đăng trên QTO mấy năm rồi, copy lại giới thiệu cho bà con xem chơi. Người ta bảo tốt khoe xấu che, còn tôi thì tốt cũng khoe mà xấu cũng không che -------------------------
Đực thì ai cũng biết là giống đực, tiếng anh gọi là male, tra, trẻ, lớn bé chi đều male hết trọi. Tiếng việt nam thì phong phú hơn, mà tiếng Quảng trị thì phong phú hơn nữa nào đực, trống, cu, trai, đàn ông, đái đứng...ui thôi đủ các kiểu để diễn tả nó là giống đực
Từ "hết" thì có lẽ ai cũng biết luôn nhưng nó lại nhiều nghĩa vô cùng, nghĩa thông thường là chấm dứt, là cạn là sạch sành sanh không còn gì như hết lúa hết khoai...mà quê miềng lại còn một chữ hết rất ngộ "hết con", nghĩa là đứa nầy nữa là hết không đẻ nữa nên nhiều người hồi trước hay đặt con tên là Hết nghĩa là út là chụt...Mình có một O tên là Hết là con gái út của ông nội, lớn lên sợ nghe tên hết không hay, khó lấy chồng nên phải đổi tên qua là Hồng, O lấy chồng về dưới biển. Hồi trẻ O cũng đẹp người đẹp nết nhưng không biết sao mối nào cũng thua...về sau đổi lại tên Hồng mới kiếm được mụn chồng
Nói qua qua rứa để bà con hiều từ "đực hết" hiểu theo nghĩa thông thường là hết đực rồi, không còn còn đực mô trơn. Chuyện có thật năm xưa lưu truyền cho tận hôm nay, đúng là
trăm năm bia đá vẫn còn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Miệng thế gian không ai ghi chép mà nó truyền từ ngàn đời nay
Ở Quảng trị nhất là các vùng gần làng tôi, từ hết nó còn có một nghĩa rất chi là uyên thâm mà khi đi với 1 từ nào đó đứng trước nó diễn tả là chỉ toàn loại đó. Ví dụ như:
đực hết nghĩa là toàn đực,
cái hết nghĩa là toàn cái. Ví dụ heo nái đẻ 10 con bà nuôi heo nói với hàng xóm "nó đẻ lứa này 10 con mà toàn đực hết", chữ toàn đứng trong câu cho thấy câu này rất rõ nghĩa, nhưng ở Quảng trị thường có cách nói ngắn, nói gọn nên sinh ra rắc rối.
- Heo chị đẻ mấy con?
- 10
- mấy đực mấy cái
- đực hết
Đoạn hội thoại trên sẽ cho bà con rõ là heo bà ta đẻ toàn heo đực.
Làng tôi đất hẹp người đông, ngoài tính hiếu học để thay đổi cuộc đời lam lũ, người lớn 1 chút là phải biết
buôn thúng bán bưng làm kế sinh nhai, đàn bà thì buôn chè (là chè nấu nước uống, chè xanh), buôn các đồ tạp hóa như mì chín, vải, thuốc lá, buôn cá...đàn ông thì buôn heo, buôn bò, buôn gỗ..., mua đi bán lại lấy công làm lời. Đi buôn thì có lời, cũng có khi lỗ đó là chuyện thường tình như kinh doanh ngày nay. Làng tôi ngày đó buôn heo khắp vùng, mua heo vùng này bán qua vùng khác...
Có lần đi xe đò từ Bồ bản lên Quảng trị (ngày xưa có tuyến như thế), có người hỏi tôi cháu ở làng mô, nói làng Lệ xuyên, họ nói à, làng đực hết đó à! Ngày còn nhỏ tôi cũng không hiều họ nói chi, hôm về vào nhà đứa bạn chơi hỏi mạ đứa bạn, mạ đứa bạn nói "sao mi không chưởi cho họ 1 trận". Tôi nói làng đực hết thì có sao đâu, tôi cứ tưởng họ nói làng tôi nhiều con trai
. Mạ bạn tôi nói là "tại vì họ chứ phải vì ông bán heo làng miềng mô"
Mạ bạn tôi kể rằng ngày xưa ông gì đó đi buôn heo, cuối ngày bán hết heo đực rồi còn toàn heo cái không ai mua, mang về thì phải cho ăn chăm sóc...khi đi ngang qua làng khác rao "ai mua heo khôông", có bà quá xồn xồn trong nhà chạy ra "có heo đực khôông chú?". Ông bán heo mì trả lời "đực hết", trời túi nhá nhem, bà ta bảo chú thả cho tui 2 con, xong mô vô nấy trả tiền rồi ra về. Hồi đó heo đực khi nào cũng đắt hơn heo cái, vì ta nuôi heo béo chỉ cần hoạn là nuôi mau lớn hơn heo cái nên heo đực khi nào cũng đắt hơn, hình như bây giờ cũng vậy, heo cái mà hoạn thì khó hơn nên chỉ ai nuôi heo nái mới mua. Ông ta lấy tiền theo giá heo cái bà mua heo cũng tưởng tối rồi nên ông bán rẻ
Nói heo mà liên hệ tới người, đàn ông quê tôi (Quảng trị) cũng có giá hơn đàn bà, không biết có phải từ sự tích này không
. Nhớ có lần ai nói "đàn ông đui què mẻ sứt chi cũng có vợ", mà thiệt có mấy đứa điên điên khùng khùng mà vừa rồi về làng thấy nó có vợ có con hết, mà toàn lấy vợ làng khác mới ngon. Nhớ câu ca dao mà bà nội tôi hay hò "trai lấy vợ khác làng là trai thừa thế, gái lấy dôông khác làng là gái ế chồng", rõ ràng là mấy thằng này có thừa thế chứ còn gì
. Còn con gái thì phải công dung ngôn hạnh may ra có được tấm chồng chứ lơ tơ mơ ba chếch ba choác như mấy O trung QTO, chuyên khoe mông khoe đùi thì ở giá là cái chắc
Cũng may thời thế hiện nay đã thay đổi
Trở lại chuyện bán heo, sáng mai ra bà ta mới thấy cả hai con heo đều là heo cái, cái này thì quá dệ rồi dòm con heo có cái dậu sau khu thì là con cái rồi còn chạy vào đâu mà lẫn
. Bà ta làm ầm ỉ nhắn ông bán heo lên để làm cho ra nhẻ. Ông bán heo nghe tin cũng lên tỉnh khô như không biết. Ông nói với bà mua heo là tui nói đực hết là không còn đực mà chị đòi mua, biết đâu chị hỏi heo đực mà mua heo cái thì sao
Mới hôm rồi đọc báo internet thấy một mẫu chuyện vui, chuyện kể rằng có 1 cửa hàng bán áo quần, họ đề 1 bộ 200 ngàn, có anh chàng vào hỏi "cái quần bao nhiêu?", người bán nói "quần 130 ngàn còn áo 70 ngàn". Anh ta trả 70 ngàn và lấy cái áo. Chị bán hàng đơ người ra! Thực ra chị bán hàng tưởng anh ta mua cái quần nên mới hét giá đó, thực ra mỗi cái 100 ngàn. Nghị lại biết đâu mụ mua heo hồi đó chơi chiêu
Trở lại chuyện heo, sau 1 hồi phân giải không xong mụ ta mới thưa ông bán heo ra tòa kiện mà hồi xưa là có quan xử kiện, xử 5 lần bảy lượt thì ông bán heo vẫn thắng. Thì rõ ràng ông nói "đực hết" nghĩa là hết heo đực rồi. Và từ đó về sau hể ai nói tới làng Lệ xuyên thì người ta nói làng "Đực hết"
Còn nhiều chuyện cười ra nước mắt mà mỗi lần về quê là nghe người ta kể lại, nhưng đầu năm kể 1 chuyện để hầu bà con cho vui. Kể ra thì không phải họ thích lừa đảo mà họ có tính chơi khăm hơn. Mỗi lần về quê là nghe bà con kể một số mẫu chuyện, thực hư tôi chưa có dịp kiểm chứng nhưng...chuyện nào cũng cười ra nước mắt.