Nhậu và vấn đề ngâm con gì vào rượu nhậu Nhưng thế hệ hậu bối bây giờ nhiều người không cần “bạn hiền” vẫn cứ uống tì tì, thậm chí những lúc “không tiền” thì ta ký sổ. Ngày nào mà không có tí cay là thấy khó chịu cứ như đang cả ngàn con kiến bò trong xương vậy.
Có trăm ngàn lý do để người ta nhậu. Vui nhậu mà buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu luôn. Có người yêu, thất tình, đám cưới, đám ma, đám giỗ, đám thôi nôi, đám trúng đề, đám nhà mới, đám mừng con trai khỏi bệnh tiêu chảy... nói chung là “đám cười đám khóc”: nhậu. Sau giờ làm việc: nhậu. Đi giao lưu làm ăn cùng đơn vị bạn: nhậu. Bạn cũ lâu ngày gặp lại: nhậu. Khách quen đến nhà: nhậu. Người lạ mới gặp có việc: nhậu trước quen sau. Nói tóm lại là chỉ sợ thiếu thời gian chứ không sợ thiếu lý do để nhậu, ngày xưa miếng trầu là đầu câu chuyện, ngày ngay “một, hai, ba... dzô” mở hàng cho nhiều câu chuyện. Thật đúng là “hai người đàn bà và một con vịt thành cái chợ, hai người đàn ông và một con vịt thành... bữa nhậu”!
Mà ở nước Việt ta thì hễ ngồi vào bàn nhậu là phải uống rượu nhiệt tình, uống cho đều chứ cấm có kẻ ít người nhiều, ai uống kém một li rượu, một cốc bia sẽ bị coi là ngồi đó “phá mồi”, đồ “kém tắm” là loại “không hòa đồng”, “cần phải đề phòng”... Vậy nên tất cả anh em đều nâng li thì ta không thể tránh, dù cho dạ dày của ta đã sắp bục đến nơi, trong khi đó nếu như (phỉ phui cái mồm) ta chết vì rượu, anh em đến viếng lại còn chửi “ai bảo uống nhiều vào, uống được bao nhiêu thì uống, có ai ép nó đâu”, nhưng cứ thử tham gia nhậu cùng anh em một lần xem, không say không về.
Mà cái giống say thì nhiều chuyện, nhiều chủ đề. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện công việc, chuyện... tào lao đều có trên bàn nhậu chỉ sau vài lượt nâng cốc, nâng li.
Chuyện mà đàn ông vẫn hay “chém gió” với nhau trên bàn nhậu nhất là năng lực của các ông trong chuyện ấy. Dù bình thường là những người ít khoe khoang nhưng có tí men vào là các ông bắt đầu nổ tùm lum. Thường là khoe ta đây còn trẻ khỏe, còn thích các em các cháu bằng cách nhận xét về cô này cô kia trong phòng, nhận xét về mấy cô tiếp viên trong quán, thậm chí đánh giá bình luận về một cô bất kỳ nào đó đi ngang đường. Mà thường là khai vống “hành vi năng lực” lên cho thiên hạ lé mắt.
Ngoài ra, trên bàn nhậu các ông không thể thiếu việc khoe kiến thức về các loại rượu bổ thận tráng dương, rượu ông uống bà khen hàng xóm thèm, có những loại rượu mà cả đời các ông chưa nhìn thấy nhưng vẫn thể hiện kiến thức như ta đây là chuyên gia về những loại rượu ấy không bằng.
Trong một lần nhậu mà tôi được cử làm chân rót rượu, tôi được nghe mấy ông khoe kiến thức về rượu ngâm:
- Nếu nói về rượu cá ngựa thì cái xứ này phải gọi tôi là cụ.
Một ông khác xen ngang:
- Thế ông có biết cách ngâm rượu cá ngựa không?
- Sao lại không? Nếu ông muốn có bình rượu cá ngựa công dụng như ý, phải dùng một cặp cá ngựa làm thuốc gồm một con đực và một con cái mới đúng. Cá ngựa đem về bỏ ruột, uốn cong đuôi rồi phơi hoặc sấy khô, dùng tươi cũng được nhưng nên phơi là tốt nhất, sau đó ngâm và cất rượu vào chỗ mát, không ẩm ướt.
Ông ngồi đối diện phản đối:
- Đấy là cách làm cá ngựa dùng kê đơn thuốc bố ạ. Muốn ngâm rượu cá ngựa tốt nhất là phải dùng cá ngựa tươi, không rượu gì hiệu quả bằng ngâm cá ngựa tươi hết.
Ông “cá ngựa sấy khô” nóng mắt:
- Vậy ngâm như thế nào?
- Tôi ở cạnh nhà một ông thầy thuốc tôi lạ gì. Các ông cứ làm thế này cho tôi: Cá ngựa một cặp đủ đực cái, thêm các vị thuốc đại hồi, dâm dương hoắc, khởi tử, quả câu kỷ tử. Ngâm chung với nhau vào rượu trắng, cứ ngâm trong vòng 1 tháng, đảm bảo sau đó cứ tối ông uống là sáng ra bà hát dân ca ư ử.
Cả bàn cười hô hố, nâng li cho câu nói hay. Nhưng rồi một ông khác lại góp ý rằng cá ngựa là phải được sấy khô vàng, tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng một ít, uống cùng với rượu vào mỗi buổi tối thì cứ gọi là có tác dụng đến tận đời thằng cháu nội!!! Rồi ông khác lại có ý kiến khác, ông khác nữa lại có ý kiến khác nữa... cứ loanh quanh như vậy, riêng chủ đề cá ngựa ngâm rượu thôi đã đủ thời gian để năm ông cạn nửa chai vốt-ca to rồi...
Tiếp theo, câu chuyện chuyển sang rượu ngâm ngọc dương, rượu ngâm sừng tê giác, rượu ngâm lộc nhung, rượu ngâm các loại chim, ngâm mật gấu, ngâm rắn... nói chung là với dân nhậu chuyên nghiệp thì rượu có thể ngâm đủ thứ trên đời, thậm chí có cả rượu ngâm rượu. Và khi ngồi vào bàn nhậu thì dĩ nhiên không thể thiếu chủ đề về rượu ngâm, và cũng chỉ nói về loại rượu ngâm để làm tăng “bản lĩnh đàn ông” mà thôi.
Bàn về ngâm con gì cũng thấy bàn cãi tưng bừng, và mỗi một cuộc tranh luận lại hết nửa chai rượu to, tuy nhiên không thấy ai bàn về loại rượu nào uống vào có thể... ít nói hơn cả.