Những Người Sống Quanh Tôi
Chờ đến lúc được ngồi một mình tĩnh lặng, cảm xúc tràn về thì không biết đến bao giờ, tranh thủ lúc giờ giải lao, MT kể mấy dòng ký ức phục vụ các bác cho thêm phần phong phú
Chủ đề chính là Những Người Sống Quanh Tôi, những người mà MT đã quan sát, tiếp xúc và trò chuyện từ nhỏ tới giờ. Vì viết rất vội theo cảm xúc nên nhiều chỗ chưa được thật chau truốt…
1- Thầy Gáy Mồi
Thầy Gáy mồi là một hình mẫu người đàn ông của gia đình trong con mắt của mọi người lúc bấy giờ. Vốn là một sĩ quan quân đội, chuyên ngành Toán học, Thầy người miền trong, nói giọng nhỏ nhẹ, Thầy luôn để lại ấn tượng nhẹ nhàng cho người tiếp xúc.
Nhà Thầy Gáy mồi nằm ở dãy trên trong khu gia đình, xung quanh là hàng rào quả lạc tiên mà mỗi chiều về đứng chờ bố mẹ, lũ trẻ con thường nhấm nháp những quả xanh quả chín, cảm nhận cái mùi ngai ngái, hương vị thơm ngon của chúng và nghĩ về thế giới bí ẩn trong ngôi nhà bên trong chưa một lần được đặt chân tới. Vợ Thầy vốn là học trò của Thầy ngày xưa, cùng quê, cao lớn. Gia đình Thầy sinh được một anh con trai và một chị con gái, đều xinh xắn, học giỏi. Lũ trẻ gái bấy giờ rất ngưỡng mộ anh con trai có biệt danh ‘chim sẻ thối tai’ vì anh rất hay bị viêm tai.
Cứ mỗi chiều đến, khi các gia đình chuẩn bị cơm nước xong, Thầy Gáy mồi lại ăn mặc chỉnh tề, quần áo sơ vin, khoác tay vợ đi dạo một vòng từ nhà xuống tận cuối khu gia đình, nơi có cái đầm nước trong vắt gió thổi lồng lộng. Vợ chồng Thầy đi dạo nhẹ nhàng, chầm chậm, vừa đi vừa trao đổi chuyện trò rất nhẹ nhàng, tình cảm. Chao ôi, trong khi các gia đình tất bật tắm rửa cho con cái, cho lợn gà tăng gia thêm ăn, nấu cơm rửa bát, hình ảnh vợ chồng Thầy đi dạo cứ in đậm trong tâm trí lũ trẻ, cái cảnh đó mới xa xỉ làm sao.
Sau này, khi khu gia đình mở lớp luyện thi đại học cho con em cán bộ trong trường, Nấm cũng vào học lớp của Thầy. Vẫn phong cách thoải mái, giọng nói nhẹ nhàng, Thầy Gáy Mồi hiếm khi khoe kể về gia đình hay con cái của mình. Thầy có vẻ hợp luyện thi cho những học sinh giỏi nên lũ học sinh thi khối D như Nấm học khá vất vả. May thay phụ huynh của Nấm cũng là dân chuyên Toán nên dần dà Nấm học tốt hơn, thích nhất là làm phần Đạo hàm, Nguyên hàm và Hình học Giải tích, ngày thi Đại học chỉ có Nấm và vài bạn được điểm 10 môn Toán.
Mười năm trôi qua, vẫn giữ nguyên nếp sống giản dị ngày xưa, cứ mỗi chiều về vợ chồng Thầy Gáy Mồi lại khoác tay nhau chầm chậm di dạo quanh khu gia đình- giờ đã toàn nhà cao tầng bê tông chắc chắn. Có lúc Nấm bắt gặp hai vợ chồng Thầy đi chợ cùng nhau, trong lòng Nấm lại thấy cảm động. Nghe mọi người kể chuyện, Thầy Gáy Mồi còn nuôi dưỡng cả mẹ vợ mà không thấy than phiền một lời với bất kỳ người nào. Có một thời gian khoảng 2-3 năm, vợ Thầy gáy mồi là nhân viên văn thư cho bố của Nấm, những hôm vợ Thầy bị đau mắt, Thầy lại đi bộ gần 1km sang nhà gặp bố Nấm xin phép cho vợ nghỉ làm.
Về sau gia đình Thầy quyết định để cô ở nhà, Thầy cũng xin nghỉ hưu sớm để chuyên về giảng dạy các lớp luyện thi. Hai con của Thầy giờ đã khôn lớn. Anh con trai tiếp bước truyền thống toán học của dòng họ Hà Huy, giờ đã là Tiến sĩ và làm ở Viện Toán, nhưng sau này chuyển sang giảng dạy ở Mỹ, lấy một cô vợ cũng rất xinh xắn và giỏi giang là học trò của bố. Còn chị con gái cũng có vẻ đẹp dịu dàng, cũng yên bề gia thất với người chồng cũng là Tiến sĩ nước ngoài.
Hình ảnh gia đình Thầy Gáy Mồi luôn in đậm trong tâm trí Nấm. Nấm luôn ao ước mình cũng có một gia đình đầm ấm như vậy, cuộc sống giản dị, ngày lũ trẻ đi học, tối về mẹ ngồi chấm bài, bố dạy các con học, cùng chuyện trò, ca hát. Chao ôi, ước mơ vẫn hàng ngày được vun đắp, nhưng để xây dựng được một gia đình như vậy thật gian nan biết bao!
Bài học rút ra từ câu chuyện trên: Gia đình và con cái là tài sản lớn nhất của mỗi người. Thà có một gia đình giản dị, êm ấm với những đứa trẻ ngoan học giỏi còn hơn là có nhiều kim ngân trong nhà nhưng không được bình an!