Countries

27.1%Viet Nam Viet Nam
24.5%United States United States
14.1%Germany Germany
6.4%Israel Israel
6.2%Canada Canada

Visitors

Today: 1
Yesterday: 6
This Week: 31
Last Week: 68
This Month: 163
Last Month: 283
Total: 3793


Thống kê

Các thành viên : 26542
Nội dung : 50
Liên kết web : 6
Số lần xem bài viết : 4957514
JoomlaWatch Stats 1.2.9 by Matej Koval
Những bài viết về cu gáy
Chào bạn đến với trang Cu gáy PDF. In Email
Viết bởi Administrator   

Tôi là một người mê chim gáy từ nhỏ, từ khi con học cấp II. Tôi chơi cho đến khi vào đại học thì đành bỏ lại chim mồi cho gia đình tôi nuôi. Hồi đó những năm 1990 nghe đâu có người đến trả chim mồi với một số tiền lớn nhưng ba tôi nhất định không bán. Chim mồi tôi nuôi là do tôi đổi một con chó săn rất đáng giá, nó gáy thỉnh thoảng có một hậu (cục cu cu...cu- một hậu) nhưng thường thì không hậu (cục cu cu- không hậu). Con chim này người bẫy không biết nó thế nào vì không quan sát kỹ. Nuôi chưa tới 1 năm thì nó đã "nổi", và tơi đã mang nó đi thử. Hồi đó chăn bò nên tôi thường mang nó theo và chẳng bao lâu nó đá thu phục được con chim ngoài (gọi là chim bổi) đầu tiên, từ đó bất kể mùa mưa hay nắng cứ mang nó ra là nó gáy, có ngày vài ba con, có hôm không có con nào nhưng nó không nãn. Có lần nó thu phục một con bổi dính bẩy 3 lần nhưng thoát ra được vì con bổi này quá nhỏ. Cứ mỗi lần thoát là nó như mất hôn nhưng sau đó chim mồi lại làm cho nó quên ngay và lao vào lần hai...lần 3. Lần thứ ba có lẽ nó không còn sức nữa và kể từ đó biết bao người đến bẩy mà không được. Lần thứ ba tôi ngồi gần hơn và khi dính lưới tôi lấy sào treo chim có câu liêm đè nó xuống cho đến khi nó mệt hết vùng thì tôi lấy sào ra móc chim xuống. Thế mà vừa gần chạm đất nó lại tuột ra.

 

Tháng ngày đưa đầy tôi lang thang từ nước này qua nước khác, trong tôi máu cu gáy vẫn chảy âm ỉ từng ngày. Tôi không còn nuôi chim gáy từ vào đại học cho đến khi ra trường đi làm đi học.  Học xong tiến sĩ thì tôi lại về nước và gầy dựng hai con mồi, một con có thể nói là cực hay, giọng thổ đồng, một hậu, khi gù dặm rất nhiều. Mới nuôi hơn 1 tháng thì nó đã thành mồi (con này tôi mua lại của người khác với giá...50.000 đồng thời điểm năm 2004), nghe đâu họ nuôi từ nhỏ lên. Mới đi thực địa làm quen có mấy bữa mà nó gáy rất hăng. Còn con mồi thứ hai là thổ sấm, một đứa bạn cho tôi. Thế rồi tôi lại khăn gói ra đi, tôi sang Mỹ theo một chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ đằng đẳng cho tới tận bây giờ. Mỗi lần gọi điện thoại về cho vợ là hỏi ngay "Cu anh có khỏe không?". Thường thì bà xã nói trêu là "Cu anh rấttt khỏe, nó gáy suốt ngày". Rồi vợ con cũng dắt nhau qua Mỹ, mấy con cu để lại nhờ dì (em vợ) trong coi. Thỉnh thoảng vẫn hay gọi điện về hỏi  thăm nhưng không còn nói năng dạn dĩ như nói với vợ. Rồi ông cậu bên vợ cũng lên lấy 1 con về nuôi, lại lấy đúng con hay thổ đồng, nghe đâu ông bẫy quá trời chim bỗi, bẫy về toàn thịt. Năm tháng trôi mau, ở nhà gặp đợt cúm gia cầm cả hai đều đi theo ông bà. Nghe tin tôi tiếc ngẫn ngơ, biết khi nào tìm ra 1 con mồi như vậy.

 
Đi mồi chim cu gáy PDF. In Email
Viết bởi Administrator   
Thứ hai, 11 Tháng 8 2008 22:13

 

Ông Võ Văn Tiếc treo lồng chim mồi, bắt đầu một ngày "gác cu".

Tuổi thơ gắn với đồng bãi, gò đồi và những rặng tre xanh luôn rì rào những bài ca bất tận về thiên nhiên hoang dã. Và quả thật nếu không có những thú vui dân dã, hẳn cuộc sống vốn rất nhiều toan lo của người dân quê dễ “khô cằn”. Mồi chim cu gáy, một trong những “thú vui” ấy, vẫn thường được nhắc đến như nghề chơi lắm công phu.

Ở quê bây giờ những người theo nghề mồi cu gáy không nhiều. Ông Võ Văn Tiếc - thôn trưởng thôn Đồng Nghệ, xã Tam Ngọc (Phú Ninh) cũng quả quyết như vậy. Ông Tiếc là số ít những người đến nay còn theo cái nghề này, như là duyên nợ. Chẳng biết có phải vì thế mà người xưa từng liệt nghề “gác cu” vào... một trong bốn cái ngu ở đời. Nhưng đã là duyên nợ thì dứt làm sao được.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Uống một hớp nước, ông Tiếc nhớ lại, từ thuở lên 10 đã lon ton chạy theo ông nội, sau đó là cha, để đi mồi chim cu gáy. Bây giờ ở tuổi 55, có thâm niên hơn nửa đời “gác cu cầm sào”, nhưng ông vẫn không sao quên được cái cảm giác rộn rạo mỗi khi chim mồi cất lên tiếng gáy ngày trước... Với làng Đồng Nghệ, nghề mồi chim cu gáy đã có cách đây hơn 100 năm. Lưu truyền người đầu tiên đến với thú chơi này là ông Trần Mỹ. Ông Mỹ ở Đồng Nghệ rất có tài mồi chim nên người ta gọi chết tên “Mỹ Chim”. Bây giờ, cả thôn có đến cả chục người lấy mồi chim làm thú vui sau những ngày lao động vất vả, nhưng thật sành điệu thì không còn ai. Và sự đắn đo trong lời bình phẩm về “sự sành điệu” ấy của ông Tiếc càng cho thấy ông đang ngầm tiếc rẻ về sự mai một của nghề, của thú chơi đã nâng lên tầm nghệ thuật.

Dẫn chúng tôi ra hiên nhà bên dãy lồng chim mồi treo dưới hàng hiên và cả dưới những tán cây cạnh đó, ông Tiếc giới thiệu về những dụng cụ mồi chim cu gáy. Đó là chiếc lồng nhốt chim mồi, ba phía xung quanh được bọc kín bằng vải mùng, mặt còn lại là cửa sập chim. Một cây sào trảy (trúc) được cưa làm hai đoạn, lúc cần có thể nối dài ra bằng một vòng sắt. Sào phải là loại trảy đá được lấy ở vùng Quế Sơn đem về gọt giũa trơn láng sau đó gác giàn bếp cho đến khi đen bóng, mới thật vừa ý. Trên đầu sào có gắn một móc sắt tự chế dùng để giựt nhánh cây như câu liêm vừa có móc để tiện treo lồng chim. Để dụ được chim mồi gáy phải dùng đến một dụng cụ giống như ống sáo được làm từ một đốt trúc có khoét lỗ, khi thổi lên âm thanh hệt tiếng cu gáy. Dụng cụ này gọi là ống kích. Theo ông Tiếc, yếu tố quan trọng để mồi cu gáy phải kể đến "nhân vật chính" là chú chim mồi. Chim mồi được chọn nuôi từ nhỏ hoặc lấy chính con chim đã mồi được nhưng phải hội đủ những yếu tố cần thiết của một con chim mồi thuần thục có khả năng gọi “bầy đàn”. Kinh nghiệm đó phải là chú chim trống đã trưởng thành, lưng gù, cườm tấm. Vòng đời của chim chỉ kéo dài từ 7 đến 8 năm, nên việc chọn chim mồi phải được tính toán khá thường xuyên.


Riêng chim có lông trắng ở cánh và tiếng gáy phải “hội hai”- tức là một tiếng gáy một tiếng gù đi kèm nhau- thì không dễ tìm được. Ông Tiếc bảo cả đời mồi chim ông chỉ có được... một con loại này. Ngày trước ở làng Đồng Nghệ có người đánh đổi cả trâu đực mộng để có được chim mồi hay. Nghe đâu hồi Ngô Đình Diệm nhờ người đến ngã giá mua căn nhà cụ Huỳnh Anh ở Tiên Cảnh (Tiên Phước), khi về đã tạt vào Đồng Nghệ mua chim mồi. Tránh sự phiền toái cho dân, cụ nội ông Tiếc đành đoạn cầm lòng “tiễn đưa” một chú chim mồi cánh trắng ra đi.

Theo chân người “gác cu”

Dụng cụ mồi chim.

Cũng theo kiểu “buôn có bạn bán có phường”, mùa nồm nam, từ sáng sớm thức dậy đã nghe thoảng hơi gió mát rười rượi thổi về. Đâu đó, gần xa vọng tiếng chim cu gáy... Đây chính là thời điểm năm, bảy bạn mồi trong làng bắt đầu thong dong “lồng, sào” lên đường. Không ai bảo ai, mỗi người tự tìm vị trí thích hợp để đặt lồng chim. Chuyện tưởng như giản đơn, nhưng ai sõi nghề nhìn cách thức đặt lồng chim của người đi mồi họ hiểu ngay người mới hay vào nghề đã lâu. Theo ông Tiếc, chỗ đặt lồng cơ bản đảm bảo yếu tố đắc địa, ấy là nơi có cây cội (cây đứng một mình) tách biệt với đám cây xung quanh. Phía trước cành chọn đặt lồng phải có một nhánh cây cách chừng 10-15cm và phải cao hơn một chút để chim ở ngoài bay vào có chỗ đậu, trước khi nhảy vào đá với chim trong lồng. Khi đã đặt lồng xong thì tìm một chỗ nấp kín đáo để quan sát và dùng sáo thổi “kích” chim mồi gáy nhử chim ở ngoài bay về. Công đoạn chờ chim ngoài bay vào đá là hồi hộp, thú vị nhất nhưng cũng là khoảng thời gian phải kiên nhẫn nhất. Có nhiều chim tinh khôn chỉ đứng gáy trêu ngươi chứ không chịu vào sập bẫy. Và cũng có những lúc “màn trình diễn” được đẩy lên cao trào khi bên ngoài là con chim tinh khôn, đẹp mã. Lúc đó người mồi chim chăm chú đến từng động tác của chim mồi lẫn chim bên ngoài, nên quên cả... gãi ngứa, nhiều lúc khát đến khô cổ họng cũng không dám rời chỗ ẩn nấp để tìm nước uống. Được thua ở những cuộc này là cả niềm vui sướng đến tột cùng nhưng cũng có thể là nỗi thất vọng, tiếc nuối ngẩn ngơ. Thường thì mỗi cuộc mồi chim kéo dài từ 3 đến 5 ngày và thành quả thu về khi 5, khi 10 chim cu gáy, trong đó không ít con qua “huấn luyện” giá cả bạc triệu. Song chuyện mồi cu cũng may rủi khôn lường, dự phòng lúc trắng tay khi thời tiết thay đổi hay không gặp chim, người đi mồi còn mang theo lồng mồi chim quất. Loài này dễ mồi hơn nhiều so với chim cu gáy.

Mai này còn có tiếng chim ?

Chim cu gáy thuần thục đang làm "chim mồi".

Hiện nay việc cấm sử dụng các loại súng săn chim đã mở ra “đường sống” cho nhiều loại chim, trong đó có chim cu gáy. Nhiều vùng quê, chủ yếu là vùng trung du dần dà tiếng cu gáy đã quen thuộc như không thể thiếu được trong bản đồng ca chim chóc. Tuy nhiên, đây đó tình trạng săn chim bằng súng hơi, súng thể thao cho những cuộc nhậu của những tay chơi rỗi việc rất đáng lo ngại. Thậm chí lại có thông tin cũng không mấy vui : tình trạng săn bắt chim có tính “càn quét” vừa rộ lên, nghe đâu cách thức này được du nhập từ vùng Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Đó là việc dùng chim mồi (nhử) là chim giả, sau đó dùng nhựa thông để “trói giò” những chú chim ngu ngơ tưởng chim giả là đồng loại. Ngoài ra, người ta còn dùng lưới giăng trong các hẻm núi, hoặc bãi đất trống để bắt chim hàng loạt. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sau này liệu có còn được nghe tiếng chim cu gáy gọi nhau trên những lùm tre xào xạc, tiếng chim gù trong tiếng vỗ cánh đánh đu khi sà xuống những đường cày còn tinh khôi mùi đất mới, mùi rơm ngai ngái hơi bùn được đốt lên bên này chiều trở gió... nữa hay không ? Và thú mồi chim cu gáy tao nhã một thời liệu cũng “đứt bóng” theo ?

VĂN TRƯỜNG - TẤN ĐƯỜNG

Theo báo quangnam

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 6 2010 22:08
 
THÚ CHƠI CU GÁY Ở CÔ TÔ PDF. In Email
Viết bởi Administrator   
Thứ hai, 11 Tháng 8 2008 17:18
(TT&VH) - Mai phục suốt hai tháng trong rừng, đúng vào một ngày mùa đông giá rét, đang ngồi cho chim ăn thì Thanh nghe có một cơn gió mang một luồng khí ấm thổi tới. Đến đêm thì thấy sao sáng vằng vặc.

Thanh chắc chắn sang mai nắng ấm sẽ lên - chính là cơ hội tốt để tóm cổ con chim trứ danh.

Thử làm… cái ngu thứ ba

"Trên đời có bốn cái ngu / Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Cứ theo như câu ca dao trên thì "gác cu" là việc ngu thứ ba trong bốn cái ngu nhất của con người. Song ở Cô Tô (huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh), tôi lại thấy một hình ảnh trái ngược. Cái thú vị nhất trong nghề chơi chim cu gáy không chỉ là nghe tiếng gù (hót) của nó mà là huấn luyện được một con chim mồi thật "chiến" để đi tóm cổ các chú chim khác.

Chim cu gáy có đặc điểm là sống theo bầy đàn và có một con làm thủ lĩnh. Mỗi khoảng rừng sẽ có một đàn chim cùng một “ông hoàng” ngự trị. Con chim đầu đàn làm nhiệm vụ bảo vệ và lấy giống cho cả đàn. Bất kỳ con chim lạ nào xâm nhập lãnh địa thì chim đầu đàn có trách nhiệm ra đuổi đánh. Và để lên chức thủ lĩnh đàn chim thì con chim đực ấy phải chiến thắng tất cả những con đực khác trong đàn.

Anh Hoàng Văn Thanh- vua cu gáy ở huyện đảo Cô Tô


Nắm được đặc điểm ấy, Hoàng Văn Thanh, người được mệnh danh là “vua chim gáy” đất Cô Tô, luôn muốn bắt những con chim đầu đàn về để chơi. Ban đầu anh chọn một con chim có "tướng" rồi huấn luyện làm “chim mồi”. Đây là một quá trình cực kỳ công phu chả kém gì chăm con mọn. Nào là phải chọn thức ăn ngon, sạch. Hàng ngày phải chăm sóc, vuốt ve, "coi chim như con" để "lấy lòng" nó. Đến khi con chim quyến luyến chủ đến mức chủ bảo gì, nghe nấy - không bao giờ muốn rời bỏ chủ - thì có thể coi công đoạn huấn luyện chim mồi đã thành công một nửa. Kể đến đây, anh Thanh bật tay "tách" một cái, từ cửa chuồng đã mở, một con "bạch điểu" (chim cu gáy trắng) từ trong lồng bay vút lên trời như một mũi tên rồi từ từ đậu vào vai Thanh.

Thanh bảo, để huấn luyện được mức này thì chỉ mất khoảng 6 tháng đến một năm. Nhưng huấn luyện sao cho con "chim mồi" này đủ bản lĩnh để "chiến" sòng phẳng với những con chim rừng là một việc vô cùng khó khăn. Vốn chim rừng quen chinh chiến, nó không bao giờ ngán bất cứ đối thủ nào. Nhưng chim nhà mình nuôi, lúc mang con chim khác về thì có thể "chiến" rất "máu" bởi "chó cậy nhà, gà cậy chuồng". Nhưng đến khi mang ra "chiến" với chim rừng thì có con chưa đánh đã run. Thanh bảo, loại ấy thì chỉ có nước bán cho những người nuôi chim làm cảnh.

Săn chim

Hàng tuần, cứ khoảng 6 giờ sáng Thanh vác chim mồi vào rừng đánh bẫy. Tôi liền nằn nì xin đi theo một buổi. Lúc ấy mặt trời mới nhô lên ở góc rừng, chúng tôi đi sâu vào con đường mòn trong khu rừng khoảng nửa giờ đi bộ.

Con cu gáy mồi của anh Thanh

Đến nơi, sau khi treo chim mồi trên một chạc ba, Thanh kéo tôi chui vào một bụi găng rồi kể tiếp. Để bắt được con chim cần phải tinh thông thiên văn, địa lý như… Khổng Minh. Mắt sáng lên hãnh diện, Thanh thuật lại lần đi bắt con “mỏ quặp” trứ danh. Thanh đặt tên nó là con “mỏ quặp” vì mỏ nó quặp vào như mỏ vẹt. Con này thoạt nhìn Thanh đã "kết" lắm. Ngoại hình đẹp tuyệt vời, nhưng nghe nó gù thì vang hơn tiếng chuông đồng. Đã năm lần bảy lượt Thanh mang chim mồi đến đánh mà toàn...thua. Đến tận giêng hai năm ngoái mới thành công.

Suốt hai tháng trời, bầu trời chỉ toàn một màu u ám. Để tóm được con mỏ quặp thì con mồi của mình phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Phải có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Hàng ngày chỉ cho ăn thóc và vừng đen, tuyệt đối không cho hót, đồng thời ủ ấm trong một chiếc lồng thật kín gió, có bóng điện đỏ giữ ấm cho chim. Mai phục suốt hai tháng, đúng vào một ngày mùa đông giá rét, đang ngồi cho chim ăn thì Thanh nghe có một cơn gió mang một luồng khí ấm thổi tới. Đến đêm thì thấy sao sáng vằng vặc. Thanh chắc chắn sang mai nắng ấm sẽ lên - chính là cơ hội tốt để tóm cổ con chim cứng đầu kia.

Sáng hôm sau, quả thật là bầu trời thật quang sạch. Những tia nắng ấm đầu của mùa hạ len lỏi vào từng nhành cây, kẽ lá. Thanh ôm con chim mồi đi vào đúng địa hạt của con "mỏ quặp". Treo con chim mồi và cái bẫy lên, Thanh chui vào một bụi cây ngồi chờ. Không phải chờ lâu, con chim mồi vừa cất lên tiếng "cúc cù cu" thật trầm hùng thì lập tức con mỏ quặp từ đâu bay vút đến. Nó chao mấy vòng trên không rồi đỗ vào một cành cây đối diện thi hót. Nhờ được ủ ấm và dưỡng sức, con chim mồi của Thanh có tiếng gáy chắc nịch, khiến cho con chim lão luyện kia phải gồng mình lên mới khỏi bị lép vế. Hai con chim đua nhau hót hàng nửa giờ đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng, con mỏ quặp tung mình lên cao lượn ba vòng trên không rồi lao vào định đánh giáp lá cà với kẻ địch. Chân chưa chạm xuống cành cây mà cánh nó đã đập phành phạch vào con chim mồi. Nhưng chỉ đánh được một miếng, khi chân nó đậu xuống thì “phựt”, cái bẫy đã sập xuống. Con chim cố vùng vẫy mong trốn thoát như không thể. Sướng quá, Thanh lao người từ bụi cây ra, ôm lấy con mỏ quặp chạy luôn về nhà, quên luôn cả con chim mồi.
Nét chim - nét người

Để chọn được một "anh" cu gáy hay, ngoài đặc điểm về ngoại hình của một con chim đã được lưu truyền từ xưa, như “đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở” là con chim có thể lực sung mãn. Để nhận diện con chim tài hoa phải là “nhất huỳnh kiên, nhì liên giáp, tam quá khoé, tứ chân khô, ngũ liên hoành, lục cườm dựng” (nghĩa là: nhất- cườm vàng đóng xuống tận vai, nhì- bộ cườm đóng kín xung quanh cổ, tam- đuôi mắt đen kéo dài ra sau ót, tứ- cặp chân phải khô trắng như ruộng mùa hạ, ngũ- sắc lông, sắc cườm, từ đầu đến đuôi phải thật đều, lục- con chim có lông gáy dựng đứng là con chim dũng cảm).

Cánh rừng có rất nhiều cu gáy ở huyện đảo Cô Tô

Giọng gáy của chim cũng là một trong những cách chọn chim hay. “Sấm, đồng, thổ, kim, son” là những cung bậc, sắc thái riêng biệt trong giọng gáy của từng con chim, tuỳ theo cách ráp đôi của những cặp cu gáy trong tự nhiên mà dân chơi còn luận ra giọng “đồng sấm”, “đồng thổ”, “thổ rệt”, “thổ pha”…Người chơi chim cu gáy thường là người trầm tính, họ ít khi bốc đồng. Tiếng cu gáy cũng gợi sự trầm buồn. "Ai đã trót yêu giống chim mộc mạc của đồng quê này thì hầu như sẽ bị cám dỗ suốt đời, mỗi khi xa nhà mà nghe thấy tiếng cu gáy lại thấy nhớ quê hương da diết”.

Giọng cu gáy có nhiều sắc thái: giọng “chiêu” (cúc, cu, cu…cu là tiếng rủ chim từ xa); giọng “thúc” (cù, cù, cu ba tiếng một, thách thức khi đối thủ về cây) phải rõ ràng, đều. Ngoài ra con mồi có giọng cà lăm, hay “dặm” (cù…cù cù hai giọng đôi) sau tiếng “thúc” rất dễ dụ chim. Con chim nào hội đủ yếu tố “chiêu đồng, thúc thổ, gù kim” đó chính  là con mồi đệ nhất, sát chim số một, cực hiếm”.

Nuôi cho ra một con mồi tốt là cả một quá trình công phu, không chỉ đòi hỏi tình yêu của chủ với vật nuôi, mà cái chính là sự nhạy cảm, “mát tay”. Tuổi thọ của cu gáy là khoảng 20 năm, nuôi chim mồi từ năm thứ 6 trở đi là có thể đem đi "chinh chiến". Loại chim mồi xịn vô giá, quý hoá thì mới tặng nhau, mấy ai chịu bán. Thành thử muốn có chim mồi hay thường phải mất vài năm vo thóc đãi sạn chăm bẵm rất công phu. Khoảng thời gian ấy đủ để người nuôi hiểu rõ tính nết của con chim. Đó cũng là cái gốc của lòng đam mê thú chơi chim cu gáy, là một phần trong văn hoá sống của nhiều vùng quê trên dải đất này.  

Khi bắt được con “mỏ quặp”, có người khách du lịch thích quá, trả tới cả ngàn USD nhưng Thanh không bán. Thanh bảo, cả đời may mắn lắm mới được sở hữu một con tuyệt vời như thế. Đối với những người chơi chim mà thấy ai vác súng đi săn thì ghét lắm. Những cái bẫy Thanh tạo ra không bao giờ làm tổn thương đến con chim.

Cu gáy là loài chung tình, song máu ghen thì rất Hoạn Thư. Thanh có nuôi một đôi chim để lấy giống. Hôm mang con "mỏ quặp" về, con "vợ" mê quá, cứ chạy theo “mỏ quặp” suốt. Khi được trả lại vào lồng, con "chồng" nghỉ chơi với con "vợ". Cứ thấy con "vợ" là nó giương cánh giương mỏ đuổi đánh. "Khuyên bảo" mãi không được, Thanh nghĩ ra một mẹo. Chờ lúc tối trời, anh mang bình nước hoa phun vào cả hai con, lúc ấy con "chồng" mới chấp nhận cho con "vợ" vào. Nhưng đến sáng hôm sau, khi ra chuồng thì Thanh phải sững sờ vì con "vợ" lông cánh te tua, tắt thở từ lúc nào!

Rời Cô Tô tôi còn tâm đắc mãi lời một người bạn: "Trong cái thời buổi bon chen, nhiều khi chỉ cần lắng mình nghe lại một chút vang vọng, mơ màng cùng tiếng chim đồng nội cũng khiến người ta quên hết mọi ưu phiền".

theo TT&VH



Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 6 2010 22:36
 
«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»

Trang 8 trong tổng số 12

Slider Gallery

Loading image. Please wait
Chim bo va chim con
Chim bo va chim con
Chim me va chim con
Chuong cu gay nuoi de
chim con 1 tuan tuoi
cu dang gay
mot cach nhin tong quat (anh tu google)