Thú chơi chim gáy ngày Tết In
Viết bởi Administrator   
Thứ sáu, 08 Tháng 8 2008 23:32

Cu kêu ba tiếng cu kêu Trông mau Tết đến dựng nêu ăn chè.

Cuộc sống càng khấm khá chừng nào thì ngày Tết người ta càng vất vả chừng ấy. Nhưng vất vả trong niềm vui, niềm tự hào thành đạt. Trước Tết, những người đã thành gia lập thất thì phải lo lễ Tết cúng ông bà tổ tiên bên nội, bên ngoại, bên vợ, bên chồng... Đây là đạo lý truyền thống chứ chưa hẳn vì phú quý sinh lễ nghĩa.

Tiếng cu gù râm ran đây đó khiến lòng tôi rưng rưng nhớ cảnh, nhớ người. Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Gác cu là một trong bốn cái ngu của người đời, nhưng nói như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ”. Và tôi đã học được cái ngu này từ cha tôi.

Hơn nửa đời người sống nơi phố thị, tôi quên hẳn tiếng cu gù. Lâu lâu về thăm quê, thắp nén nhang lên phần mộ tổ tiên, tôi cũng không còn nhớ tiếng chim cu khiến hai cha con tôi dường như nín thở, kiến lửa cắn cũng không dám gãi mạnh chứ nói gì đến chuyện nhảy ra khỏi chỗ ngồi…

Mấy đứa cháu của tôi bây giờ cũng có chim cu, nhưng họa hoằn lắm nó mới xách lồng đi nhử, bởi chúng chưa tìm được niềm vui bên tiếng cu gù. Nhìn con cu trong lồng treo phía sau nhà, tôi biết nó vào loại dùng được chứ chưa phải chim hay, dù đứa cháu tôi khen nó khôn lắm.

Muốn nhử cu, người ta phải tìm con chim cu trống bẫy được và phải là loại chim hay, chứ không phải chim cu nào cũng có thể bắt về nuôi và đem đi nhử được. Chim cu nuôi từ nhỏ lên chỉ để làm cảnh chứ loại chim này không thể làm cu mồi đi nhử. Một con chim cu hay phải “có tướng”: đầu nhỏ, mỏ đinh, hình bắp chuối (bắp chuối cau), còn kinh nghiệm của người gác cu thì “nhứt thời hình dáng đa đa, nhì thời cổ lãi (cổ dài), thứ ba quắn cườm”. Ngoài ra, một con chim cu hay còn có “ẩn tướng” là chân có hai vảy trắng hình chữ X.

Một tay cầm quéo, một tay xách lồng, tôi đi ra bờ sông và móc lên nhánh cây mít còi. Tìm một chỗ kín đáo, tôi nhìn qua bên kia sông, màu xanh hoa màu rập rờn theo gió cứ như vô tận. Và tiếng chim cu gù đã kéo tôi về với thực tại. Đúng là con chim cu này chưa phải là con chim hay ngày xưa. Con cu mồi của tôi xưa kia chỉ cần treo lên là cất tiếng gáy liền, trong lúc đó con này những năm phút sau mới cất tiếng gáy. Tuy nhiên, nó không chỉ gáy tiếng kim đồng mà chỉ gáy tiếng bản đôi. Chim cu cũng như con người, có con hiền, con dữ; có con gáy tiếng bản đôi, bản ba, bản tư... - nghĩa là khi cất tiếng gáy có tiếng hậu kéo dài và nhỏ dần về sau. Tiếng gáy của chim cu cũng chia ra tiếng kim (tiếng trong trẻo), tiếng thổ (tiếng đục). Tiếng kim thì có tiếng kim lợ lợ, tiếng kim đồng. Tiếng thổ thì có tiếng thổ rền, tiếng thổ lợ. Những con chim có tiếng kim chỉ nuôi chơi chứ ít ai làm chim mồi, bởi nó dữ làm cho chim ngoài không dám vào đánh nhau thì công gác cu trở thành ... công cốc.

Nhìn lên lồng, tôi cảm thấy vui vui, bởi tuy chim là chim gáy tiếng kim, nhưng nó gáy liên tục, vừa như cù rủ, vừa như thách thức... Dọc triền sông gần hai tiếng đồng hồ, tôi cũng mang về ba con cu gáy và biết thêm rằng thằng cháu của tôi ít khi nhử cu vùng này. Bởi tiếng dụ của con chim này còn khá xa lạ với những con chim thường lui tới đây. Tôi xách lồng về nhà mà mỉm cười một mình. Nếu thằng cháu tôi có đi nhử như chú nó bây giờ thì nó... nhử thứ gì khác và ở xóm nào đó chứ không phải xóm này.

Tiếng chào hỏi, chúc tụng râm ran từ nhà trên vọng xuống khiến tôi ngộ thêm rằng... ngày Tết bây giờ đã khác.

 

 

HOÀNG HÀ tạp chí THV

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 6 2010 22:55