Thú chơi cú gáy có lẽ bắt đầu từ xa xưa, từ khi có văn minh lúa nước ra đời. Con cu gáy gắn liền với ruộng đồng, làng quê Việt nam. Trong thơ văn thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những câu thơ về chim cu gáy, trong phim ảnh nếu có cảnh về thôn quê đạo diễn thường lồng tiếng chim gáy vào để nói lên một miền quê yên tĩnh trong lành và trầm lắng. Thú chơi cu gáy không phải ai cũng chơi được mà phải là người yêu thiên nhiên yêu đồng ruộng, yêu tiếng chim gù và hơn hết phải là người kiên nhẫn và chịu khó.
Tổng hợp các chú chim gáy có đặc điểm sát bổi. Người chơi chim gáy lâu năm chỉ quan tâm và mong tìm ra những chú gáy có đặc điểm sát bổi. Chim mồi có những đăc điểm sau đây thường hay 1. Chim khi gù có tròng vàng giản ra, tròng đen nhỏ(co) lại 2. Chim khi gù dơ cánh lên( thường thì dơ 02 cánh) 3. Chim có mỏ cong như mỏ con cắt và kèm theo giọng gù cà lăm. 4. Chim có vảy giao long cả hai chân và đóng kín không hở vảy nào. 5. Chim có giọng gù rè rè, âm thấp 6. Chim có bộ lông dặm cánh nhặt, mỏng như vảy con cá Diếc và có viền sáng vàng trên từng lông dặm cánh. 7. Chim gáy có âm hậu thấp nhất ở tiếng sau cùng.(tỉ lệ nhiều cho chim giọng thổ, thổ pha đồng). 8. Con chim sa cầu nhưng biết dặm gù và vẫn không đổi thế khi chim bổi chung thế. 9. Con chim nhỏ như con cun cút (chim bị còi). 10. Chim có cườm đóng gần khít vòng cổ 11. Chim chỉ gù một hoặc hai sạt khi chim vô thế, rồi sau đó xù lông từ đầu đến gần đuôi như con nhím, đi lòng vòng chậm chạp trong lồng, đầu gục gục như là đang muốn gù nhưng không bao giờ gù nữa (Quê tôi gọi là gù gió), loại này bắt chim bỗi cở nào cũng được. 12. Chim có mỏ đinh và khi gù cái mặt nó nghiêng song song đáy lồng, có động tác như cái liềm cắt cỏ
14. Con có hình dạng giống chim mái nhưng là chim trống nghe(chắc bổi tưởng mái)
15. Chim cu gáy có móng trắng
Ngoài ra con có một số nhận xét như sau:
chim có cánh nhạn bắt nhiêu hơn chim không có chim có đường chỉ mỏ thẳng vào mắt bắt nhiều hơn chỉ mỏ cong chim có chân màu đỏ hồng[giong đồng]bắt nhiều hơn chim chân nâu chim có chân màu đỏ đậm hoặc nâu[giọng thổ ] bắt chim nhiều hơn chân đỏ hồng.
Tổng hợp Nguon Aquabird.com.vn
Tuy nhiên có những con không có tướng tá gì (có lẽ là ẩn tướng) mà lại sát bổi đáng nể. "mọi lý thuyết đều là màu xám còn cây ời mãi mãi xanh tươi"
Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 21 Tháng 6 2010 01:57
Chơi chim cu gáy: Tiếng vọng của đồng quê
Viết bởi Administrator
Thứ bảy, 07 Tháng 7 2007 09:54
Không giống như những loại chim cảnh khác, thú chơi chim cu gáy từ xưa đến nay của người Hà Nội hấp dẫn bởi sự tao nhã, mộc mạc, khơi gợi sức liên tưởng.
Mỗi khi nghe tiếng chim cu gáy râm ran, cảm giác sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố hiện đại như dịu đi, nhường chỗ cho nguyên vẹn một đồng quê yên ả với sắc vàng của lúa chín, màu xanh yên ả, thanh bình của lũy tre làng.
Niềm đam mê với một thú chơi
Một tay cầm ống thóc, một tay xách lồng chim, anh Ngô Tiến Dũng, ở ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, lững thững đi ra đầu ngõ rồi móc chiếc lồng trái đào lên nhánh cây trứng cá.
Ánh nắng chiều xiên xiên nhảy múa trên tán lá cây xanh rợp, nhuộm màu vàng nhạt lên chú chim cu gáy tám năm tuổi lông màu nâu đất. Ít phút sau, con chim khoan khoái khẽ cất tiếng gáy bổ tư, giọng cù rù, đùng đục: "Cúc cù cu... cu".
Ngồi ngắm chú chim cưng, anh Dũng khẽ mỉm cười. Con "Linh Đàm" giọng thổ rền treo trên nhánh cây chỉ là một trong sáu chú chim gáy mà người đàn ông bốn mươi tám tuổi này nuôi.
Anh Dũng mê chim cu gáy như điếu đổ, sống đã gần nửa đời người thì hơn ba phần tư cuộc đời anh gắn bó với loài chim đồng quê này.
Đưa bàn tay to bè, xù xì, tháo mảnh gỗ lũa buộc hờ hững cửa lồng, nhẹ nhấc ra chiếc chén rồi đổ lưng thóc trộn hạt kê, đỗ xanh, vừng, anh Dũng cho biết, tình yêu của anh dành cho loài chim cu gáy, ngoài truyền thống của gia đình, còn bởi sắc màu nâu đất của lông chim - màu của ruộng đồng giản dị, mộc mạc.
Rồi anh cười khà khà bảo: "Khác nhiều người chơi chim cu gáy ở Hà Nội, hầu hết số chim tôi sở hữu hiện nay đều là tự bắt được mà có, không phải là bỏ tiền mua về."
Mê chim cu gáy như vậy nên với anh Dũng, lịch trình một ngày cho "công tác" nuôi chim của anh đã chiếm khá nhiều thời gian. Buổi sáng, buổi chiều, đi luyện chim ở một địa điểm nhất định. Buổi trưa, tranh thủ tắm cho chim.
Ngoài ra là thời gian cho chúng ăn, vệ sinh chuồng..., nhìn chung, một ngày anh Dũng mất ít nhất bốn, năm tiếng đồng hồ. Đó còn chưa tính đến những chuyến đi xa nhiều ngày khỏi Hà Nội để "săn" những chú chim hay.
Thú chơi lắm công phu
Anh Dũng bảo, nghề chơi nào cũng công phu. Chơi chim gáy tưởng chừng đơn giản như... nuôi gà nhưng thật ra không mấy dễ dàng. Chim gáy ăn chủ yếu là lúa, thóc nhưng phải là loại hạt ngắn, được rửa sạch, phơi khô, bỏ vào chai lọ, đậy kín và thêm một ít thức ăn khác như đỗ xanh, vừng, để "bồi bổ", khiến chim gáy căng hơn.
Nước uống phải là nước sạch, nếu là nước máy thì phải đợi cho chất clo bốc hơi hết mới được dùng. Chim gáy cũng thích được hứng ánh sáng mặt trời vài tiếng mỗi ngày để chúng nằm xòe cánh và đuôi phơi nắng, loại trừ côn trùng ra khỏi lông, nhưng không được để ánh sáng trực tiếp chiếu hết lồng mà phải có bóng râm để có chỗ cho chim vào khi cần thiết...
Cũng có tiếng là người sành chơi chim cu gáy, ông Lê Đức Ngọc, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, có biệt hiệu Ngọc “Hòa” dành hẳn nửa cái sân thượng để nuôi 5 con chim cu gáy.
Cứ hàng ngày, người đàn ông đã ngoại sáu mươi tuổi này lại hì hụi leo lên, xuống hàng chục lần căn nhà bốn tầng để chăm chút cho những chú chim của mình.
Ông Ngọc bảo, để có được một chú chim đẹp, gáy thành thục, căng, chuẩn, cũng lắm gian nan, đòi hỏi người chơi chim phải có con mắt tinh tường trong khâu chọn chim giống rồi những bí quyết luyện riêng.
Theo ông Ngọc, trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con chim mộc bẫy từ thiên nhiên có khi chỉ lựa được vài con. Tiếng gáy của mỗi con cũng có cao độ, trường độ rất khác nhau, chỉ những người chơi chim nhiều năm mới có thể phân biệt được.
Thường chú chim nào gáy càng dài, càng được quý. Các kiểu gáy của chim rất đa dạng, người ta phân biệt là tiếng bổ hai, bổ ba, tùy thuộc vào độ dài cũng như nhịp ngắt. Và âm cũng chia thành nhiều loại như âm thổ, đồng, son, kim. Song, người chơi chim gáy có kinh nghiệm thường dựa trên tiếng gáy trận có tiếng chu, lèo, vấp của con chim gáy để đánh giá đó là con chim hay, dở.
Như lèo, là khi gáy trận sau ba tiếng cúc cu cu con chim gáy thêm một nhịp "cục cù cù" hoặc "cục cù" gần giống với tiếng gù nhưng nhanh hơn. Cùng với tiếng gáy, hình thức con chim cũng phải chuẩn.
Nếu thân mình cân đối, lông sáng màu, đầu nhỏ vuông, mắt bé, con ngươi đen, mỏ gồ, chân cao màu đỏ son, đặc biệt lông che kín xuống qua đầu gối, lông hậu nở kéo gần hết đuôi, cườm dầy, hạt đen nhỏ quấn gần như kín cổ mới đích thị là con cu gáy có hình thức đẹp.
Ông Ngọc nói: "Tìm được một con chim gáy được đánh giá là hay có khi khó như đi tìm hoa hậu vừa đẹp người, đẹp nết".
"Cúc cù cu...cu". Trong thanh âm ồn ào, náo nhiệt của đường phố Hà thành, tiếng chim cu gáy lại rủ rỉ vang lên từ đâu đó của một phố nhỏ chật chội, một chung cư cao tầng, khiến lòng chợt tĩnh lại.
Xưa nay, người Hà thành vẫn vậy, thích những thú chơi thanh tao, đẹp cả về tâm hồn và cuộc sống./.
Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 6 2010 22:11
Mùa sương gió nồm chơi chim cu gáy
Viết bởi Administrator
Thứ hai, 11 Tháng 8 2008 01:12
(VietNamNet) - Những vạt lúa rẫy của đồng bào dân tộc miền tây Phú Yên chín vàng rực. Ông Phạm Thảo quẩy cây sào tre móc chiếc lồng chim lên vai. Mùa bẫy chim cu gáy đã bắt đầu...
Lên đường bẫy chim trong mùa sương gió nồm
Man mác cánh gió nồm thổi qua vạt rừng thưa dìu dặt tiếng chim. Đều bước trên con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn sâu vào rừng trập trùng sương sớm, ông Phạm Thảo không ngoảnh đầu lại, giọng hồ hởi: "Mùa sương gió nồm. Mùa này bẫy cu gáy là "ngon" nhứt đây".
Cái sướng của thú chơi
Chẳng biết tự bao giờ, người miền Trung có cái thú chơi chim cu gáy. Mảnh đất nghèo mọi thứ, chỉ có chim chóc trên những cánh rừng xa là sẵn. Sau những giờ luồn núi phát rừng làm rẫy, cắm mặt xuống triền dốc trỉa hạt..., vài tiếng chim gù trên cành cây ven suối cũng đủ làm vơi bớt nỗi mệt nhọc.
Đó là những lúc vào mùa, dân chơi chim đi làm nương quẩy theo chiếc lồng máng vô chạc cây bên bìa rẫy, chim tự do gù "đã đời" cho hết buổi làm. Đến khi nông nhàn, mới là lúc để chơi chim thực sự. Những anh dân chơi nông dân rời nhà, ngốn hết hàng chục cây số phóng xe (có khi là xe đạp) đến lội bộ, miên man theo những tiếng chim gù.
"Đi bẫy cu gáy xa thường phải bốn, năm "ông" đi chung mới vui. Ông này bẫy được mà ông kia chưa có con nào thì phải ráng kiếm. Vậy là cứ cạnh tranh đến lúc ông nào cũng đầy lồng hồi nào không hay", ông Thảo tâm sự. Bốn, năm ông cùng vào một khu rừng nên phải dỏng tai lên nghe tiếng chim gù rồi nhanh chân kiếm chỗ móc lồng chim mồi của mình trước, nếu không phải đi xa hơn nữa. Tiết tháng nồm miền Trung gió mát nhưng nắng rất gắt, tìm cho được chỗ để móc cái lồng, bở hơi tai.
Một chú chim bổi dáng đẹp
Đã vậy, không phải cứ treo đại khái chiếc lồng vào đâu cũng được. Phải lựa thế nhánh cây để đón hướng chim vào sẽ chắc cú "dính" nhất. Nhánh cây mà chim bên ngoài sẽ đậu phải nằm đối diện hoặc bên hông mặt sân bẫy, nhưng tốt nhất là chính nhánh cây móc lồng phải có thế thuận lợi cho chim đứng nhảy vào.
Những tay chơi nông dân lúc này phải tìm bụi rậm giấu tấm thân dềnh dàng vào, để nghe tiếng đập thình thịch trong lồng ngực mình khi có chú chim bên ngoài hung hăng chập chờn bay về chuẩn bị "chiến đấu" với chim mồi.
Cái sướng nhất của thú chơi chim cu gáy là ở đây. Hồi hộp chờ đợi nghe chim mồi gù khích tướng chim rừng bay về. Hết nhìn chú chim nhà gục gặc cái đầu gù "cục... cồ... ồ... cộ... ộ...", lại nhìn chim rừng sừng sộ gù đáp trả rồi chực bay vào. Gáy gióng, gáy thúc, gáy rúc, đến khi chú chim rừng hăng máu sập bẫy thì cái sự sung sướng của kẻ đi săn kết thúc!
Chú chim mồi đang gáy dụ chim rừng ngoài bìa rẫy
Ngay cái giai đoạn thưởng thức chỉ diễn ra dăm ba phút này, lỡ có "thằng cha" nào vô tình đi qua làm chim bay mất, rất dễ làm tay chơi chim nổi nóng. Không nóng vì mất một chú chim mà nóng vì chưng hửng, mất hứng khi màn trình diễn sống động bị cắt ngang. Ông Thảo kể: "Có lần tôi đi tàu lửa ra tận huyện Vân Canh (Bình Định) bẫy chim, đang ngồi trong bụi rậm thì một anh dân tộc đi ngang qua, tôi phất tay ra hiệu anh ta vẫn không chịu tránh xa. Đến khi chim bay mất thì anh ta mới tỉnh rụi "ai biết chỗ mấy ông làm ăn đâu". Tức không chịu được".
Chim cũng như người
Ông nông dân chính hiệu, chẳng ngờ lại nói về những chú chim cu gáy say sưa và trìu mến như miêu tả những... cô gái đẹp. Chim cu gáy phải có dáng đẹp, thân dài, khéo, gọn. Đầu phải nhỏ, mỏ thẳng đúng theo câu lưu truyền trong giới "đầu nhỏ mỏ ngay, có chết nó cũng hay". Vòng lông cườm quanh cổ phải cao, thẳng, dày. Lông cánh dặm phải khô, mịn. Chân phải gọn, đóng vảy, đặc biệt tránh xa chim có chân giống con tôm...
"Cũng như con người vậy thôi. Nói thấy thích một cô nào đó thì có nghĩa là có thích một vài thứ của cô ấy, mái tóc, dáng người, nước da... Tuy mỗi người một ý, nhưng chim mình khéo, dáng đẹp thì nói chung ai cũng muốn giữ lại nuôi làm chim bổi, còn chim đầu to tổ bố, mình ngắn cụt lủn thì chỉ có nước... làm thịt ăn".
Xong vẻ bề ngoài, đến tiếng gáy. Nhắm mắt lại, chỉ cần nghe qua tiếng gáy, dân chơi cũng biết chim hay, dở. Có nhiều loại giọng như giọng đồng, giọng thổ, giọng cấn. Trong giọng thổ lại chia ra nhiều kiểu như thổ đất, thổ lùm, thổ rỗng. Giọng thổ là giọng được ưa chuộng nhất của chim cu gáy, bởi cái giọng ấy ác liệt lắm, cất lên là có kẻ tìm đến kịch chiến. Chim giọng đồng cũng hay, kêu thánh thót, ồn ào như gõ thùng rất sốt ruột, khiêu khích chim rừng rất nhanh nhưng có nhược điểm là hay đá lồng.
"Cũng vẫn như tiếng nói con người vậy thôi. Có người nói dễ nghe, xin gì người ta cũng muốn cho. Nhưng có kẻ vừa nghe lên tiếng là đã muốn... đánh".
Hạt mằn ri, món khoái khẩu của cu gáy
Chim cu gáy bẫy về được cả tiếng lẫn dáng rồi thì cứ thế vào lồng riêng, cho ăn gạo lức, lúa gạo đỏ xay, hạt mằn ri, kể cả sạn, đất, luyện tập chờ ngày theo chủ đi chinh phạt những cánh rừng, lại dụ chim khác về. Có con chỉ vài ba tháng đã điêu luyện nhưng cũng có con lì lợm đến cả năm mới chịu "làm việc". Cũng có chú móc ở cây chanh, cây ổi trong vườn nhà thì gáy rộn trời đất, nhưng đem vào rừng lại nín thinh chẳng thèm gù một tiếng. Bao nhiêu gạo lức, lúa đỏ, hột mằn ri của ông chủ nóng tính thế là đi thẳng ra ngoài quán đặc sản.
Giữ lại chút thanh âm
Bây giờ miền quê nghèo đã mọc lên nhiều quán đặc sản. Chẳng biết có phải vì thế không mà chim cu gáy ngày càng thưa dần cánh bay và tiếng gáy sau những vạt rừng huyện Đồng Xuân, Phú Yên quê hương ông Thảo. Bây giờ muốn bẫy được nhiều chim, ông đã phải đi xa hơn, lặn lội đến tận Phú Túc (Daklak), thượng nguồn sông Ba. Còn quanh quẩn trong huyện nhà, xưa mỗi chuyến 9 - 10 con, nay 9 - 10 chuyến mới được vài con.
Một chú cu gáy dính bẫy
Chút an ủi là sau ông Thảo - kẻ chơi chim cu gáy từ thuở vác cây sào để móc lồng chim lên cao còn chới với, đã có thêm rất nhiều người nối tiếp thú chơi này. Cả huyện dễ có đến hàng trăm lồng. Các chú chim ngày trước còn được trao đổi không phí qua lại giữa các tay chơi cùng hội, nay được định giá sòng phẳng từ vài trăm đến vài triệu đồng một chú.
Như thế là cu gáy lên đời rồi. Nhưng ông Thảo lại thấy buồn. Người ta chơi ào ạt quá, chơi như để làm giàu, làm sang chứ không phải vì tiếng gáy, màu lông cườm mộc mạc của giống chim nhà quê này. Song bỏ thì ông không chịu được. Dẫu sao thì nó cũng đã gắn với cả một thời tuổi thơ đến thời trai trẻ và cả thì hiện tại của ông. Thi thoảng dắt đàn bò vào núi, ông lại quẩy lồng chim theo, không bẫy được thì cũng nghe nó gáy đỡ buồn. Miễn là giữ lại được thanh âm của những mùa bẫy chim cu gáy đã đi qua đời ông.
Người viết bài này được ông tặng một chú, vất vả đưa về Sài Gòn nuôi. Không hợp thổ nhưỡng, khí trời lắm bụi nhiều khói, ồn ào quá đỗi, hay vì sự vô tâm của con người, chú ta lăn ra chết. Người viết ngẩn ngơ. Hình như chút thơ ấu dại khờ trong ta vừa trở lại đâu đây rồi vụt mất vĩnh viễn, cũng bởi chính bằng những thứ đã làm chú chim cu gáy tội nghiệp kia lìa đời.